Trên tiến trình cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mà Việt Nam đang quyết tâm đẩy mạnh, một trở ngại trong giai đoạn triển khai hệ sinh thái chuyển đổi số trên quy mô rộng là sự đồng bộ cả về công nghệ lẫn ứng dụng. Nếu không có giải pháp thống nhất thì điều đó sẽ ảnh hưởng tới việc vận hành sau này của cả nền tảng.
Tương thích và có thể dùng chung
Trở ngại ở đây là tính tương thích và dùng chung. Thực tiễn cho thấy trước đây đã có tình trạng mạnh ai nấy làm, dẫn tới hậu quả là hiện khó ráp lại thành một hệ thống thống nhất. Ngay cả những dự án, công trình đầu tư mới cũng ẩn chứa những nguy cơ về tính tương thích để đồng bộ.
Người dân Quảng Bình đăng ký tham gia BHXH tự nguyện Ảnh: NGỌC DUNG
Gần đây, từ Chính phủ cho tới một số địa phương đang triển khai mạnh chuyển đổi số, trong đó có hội họp không giấy tờ. Cùng với phương thức họp trực tuyến đã được ứng dụng rộng rãi và cho thấy tính hiệu quả cao, nay tới giai đoạn số hóa nội dung các cuộc họp, không dùng văn bản giấy - ngay cả việc ghi chép hay bỏ phiếu.
Tuy nhiên, hiện việc chuyển đổi đang gặp thách thức là liệu các công nghệ họp không giấy này có thể liên thông, đồng bộ? Chẳng hạn, hiện nay, hệ thống e-Cabinet của Chính phủ và các địa phương do những doanh nghiệp công nghệ khác phát triển. Theo các chuyên gia công nghệ, nhà nước cần xây dựng và ban hành những bộ khung tiêu chuẩn chung quốc gia và từng ngành, từng lĩnh vực để các đơn vị, địa phương khi xây dựng hệ thống thì bảo đảm được các chuẩn mực cơ bản, có thể liên thông, kết nối vào hệ thống chung quốc gia.
Ai cũng hiểu tầm quan trọng của tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương trên hệ thống giao thông nối các tỉnh, thành miền Tây với TP HCM và phần còn lại của đất nước. Thế nhưng, gần 2 năm qua, việc giám sát giao thông trên tuyến đường cao tốc huyết mạch này, do Trung tâm Quản lý - Điều hành giao thông thông minh (ITS) đảm trách, lại bị tê liệt do cơ quan quản lý không làm chủ được hệ thống phần mềm vận hành - mà phụ thuộc hoàn toàn vào nhà thầu Hàn Quốc.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV - Bộ Giao thông Vận tải (đơn vị quản lý ITS trên tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương), trung tâm này hiện chưa liên kết với các hệ thống phần mềm, công nghệ tại TP HCM. Ông Thành cho biết một số đơn vị chuyên môn đã tới kiểm tra, tư vấn và đề xuất kinh phí sửa chữa. Tuy nhiên, với riêng phần mềm kết nối ITS thì phải thuê một đơn vị của Hàn Quốc cài đặt lại, bởi đây là nhà thầu đã thực hiện trước đó. Ngoài ra, một số bộ phận khác cũng bị hư hỏng và các đơn vị đã đề xuất thay thế. Tổng kinh phí sửa chữa và khôi phục lại hệ thống này dự tính vào khoảng 2,5 tỉ đồng. Theo ông Thành, sắp tới, đơn vị sẽ đề xuất làm lại phần mềm nhằm chủ động trong công nghệ, không bị lệ thuộc vào đơn vị đã cài đặt trước đó.
Trước đó, hệ thống tín hiệu tự động của đường sắt Việt Nam cũng được giao cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện, dẫn tới hậu quả là hoạt động chập chờn, không thể kết nối với những hệ thống mới khi ngành đường sắt cần phát triển.
Đồng bộ thông tin người tham gia BHXH
BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị đang tích cực triển khai chuyển đổi số, kết nối với các ban, ngành liên quan. Để phục vụ cho việc quản lý nghiệp vụ chuyên ngành, cơ quan này xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) về hộ gia đình tham gia BHYT; các đơn vị và người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; người hưởng hằng tháng; thuốc, hoạt chất và vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật trong danh mục được thanh toán khám chữa bệnh BHYT; hồ sơ thanh toán và giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT. Đây là những CSDL có tính chất nền tảng cho việc xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm.
BHXH Việt Nam cho biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định CSDL quốc gia về bảo hiểm. Theo đó, đề án sẽ quy định các nội dung liên quan đến thu thập thông tin trong CSDL; việc cập nhật thông tin cũng như duy trì CSDL quốc gia về bảo hiểm; các đối tượng, phạm vi được khai thác và sử dụng; việc kết nối chia sẻ phải bảo đảm theo quy định của pháp luật về kết nối và chia sẻ dữ liệu số…
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, năm 2019, ngành bảo hiểm tiếp tục cập nhật mã số và đồng bộ thông tin định danh người tham gia BHXH; quản lý dữ liệu quá trình thu nộp, chi trả BHXH, thông tin đơn vị tham gia BHXH… Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam sẽ đề xuất các hành lang pháp lý cần thiết và tiến hành liên thông, cung cấp thông tin, dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
"Người dân cần theo dõi các thông tin về BHYT, BHXH, BHTN của mình nhằm bảo đảm các quyền lợi hợp pháp, đồng thời cũng làm cơ sở để theo dõi, định hướng về y tế, an sinh xã hội của mình" - ông Ánh nói.
Theo kế hoạch, từ ngày 1-1-2020, BHXH Việt Nam sẽ cấp thẻ BHYT điện tử trên nền CSDL mới thay cho thẻ giấy. Thẻ này có gắn chip để lưu trữ thông tin người bệnh, cho phép xác thực bằng công nghệ sinh trắc học…
"Đau đầu" với thu phí không dừng
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, việc chuyển sang thu phí không dừng (ETC) đối với tất cả trạm thu phí trên toàn quốc phải được hoàn tất trước ngày 31-12 nhưng việc triển khai đang gặp nhiều vấn đề. Các nhà đầu tư đường bộ BOT cho biết đây là chuyện "đau đầu" vì công nghệ vừa bất cập vừa thiếu đồng bộ.
Theo thống kê gần đây, cả nước có khoảng 3,7 triệu ôtô nhưng mới có khoảng 800.000 chiếc được dán thẻ ETC. Các loại thẻ này lại do nhiều công ty phát hành theo các công nghệ khác nhau, không tương thích với nhiều hệ thống thu phí. Chẳng hạn, thẻ của Công ty Thu phí tự động lại không thể sử dụng được với trạm thu phí đường cao tốc TP HCM - Long Thành. Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải cần ban hành bộ khung tiêu chuẩn về công nghệ ETC để làm cơ sở cho các nhà đầu tư triển khai.
Bình luận (0)