Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra ưu tiên cấp bách hiện nay là phải đổi mới giáo dục thông qua chuyển đổi kỹ thuật số nhằm giảm thiểu tình trạng bị gián đoạn giáo dục trong tương lai (như trong mùa đại dịch Covid-19 phải đóng cửa trường học, dạy học từ xa…).
Thống nhất công nghệ dùng chung
Về vấn đề này, Sở GD-ĐT TP HCM cũng yêu cầu các trường chuyển đổi số (CĐS) ngay từ cấp học đầu tiên, đặc biệt là khối phổ thông. CĐS sẽ giúp nhà trường tối ưu hóa công tác quản lý, giáo án điện tử, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử, sổ chủ nhiệm…, đồng thời trang bị nhiều kỹ năng số cần thiết cho học sinh (HS) khi chuyển sang môi trường đại học và làm việc chuyên nghiệp.
Theo TS Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT) - Bộ GD-ĐT, CĐS ngành GD-ĐT hiện còn gặp khó khăn, cần hoàn thiện như: trang thiết bị CNTT, đường truyền, dịch vụ internet cho nhà trường, giáo viên (GV), HS - đặc biệt ở các vùng xa, vùng khó khăn - còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cho CĐS. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng về cơ hội học tập, tiếp cận kiến thức giữa HS, sinh viên ở các vùng miền. Ngoài ra, thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số cần hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin.
Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, cho rằng cách làm của Bộ GD-ĐT trong CĐS được đánh giá là đang đi đúng hướng và cụ thể. Bộ đã xây dựng được cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về giáo dục tập trung và thống nhất có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Big Data. Đây là CSDL dùng chung và gồm toàn bộ hệ thống giáo dục cả nước, cho tới cả nhóm trẻ gia đình, mỗi cơ sở giáo dục và quản lý giáo dục đều được cấp tài khoản truy cập CSDL quốc gia về giáo dục. Mỗi HS, sinh viên đều có mã định danh và sử dụng vĩnh viễn trong xã hội học tập suốt đời. Bộ đang đi theo hướng thống nhất công nghệ thay vì riêng rẽ như trước - thống nhất nhưng không tạo ra độc quyền. Tất cả ứng dụng phần mềm dù do nơi nào phát triển cũng đều phải tương thích và liên thông với nền tảng khung của bộ, kết nối với CSDL giáo dục quốc gia. Vì vậy, GV và cán bộ quản lý giáo dục được giải thoát khỏi tình trạng phải nhập dữ liệu riêng rẽ cho từng ứng dụng. Ông Phạm Thế Trường cũng cho biết Bộ GD-ĐT về cơ bản đã chấp thuận đề xuất của Microsoft để pháp lý hóa các văn bản, tài liệu số ngay từ cấp GV. Chẳng hạn như sổ liên lạc điện tử, học bạ điện tử… khi cần có thể in ra giấy và được GV, nhà trường ký xác nhận là có giá trị pháp lý.
Chia sẻ tại "Ngày hội Công nghệ giáo dục" do Microsoft Việt Nam và Sở GD-ĐT TP HCM phối hợp tổ chức tại TP HCM ngày 28-10, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT, cho rằng Bộ GD-ĐT không tiếp cận CĐS theo công nghệ mà xác định CĐS theo việc dạy, học, kiểm tra - thi cử… để có giải pháp phù hợp, tránh lạm dụng hay cưỡng ép về công nghệ.
Đề án Hệ tri thức Việt số hóa cho phép cộng đồng tham gia biên soạn, đóng góp học liệu số lên kho dùng chung Ảnh: BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Xây dựng kho học liệu số
Để phát triển giáo dục số, các giải pháp ứng dụng CNTT vào quản lý và giảng dạy đang được triển khai tại nhiều tỉnh - thành, bước đầu gặt hái nhiều thành tựu đáng kể. Cục CNTT cho biết ngành đã xây dựng được hệ thống CSDL của gần 53.000 trường học các cấp, 25 triệu HS và 1,5 triệu GV và cán bộ quản lý giáo dục.
Trong thời gian sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức cuộc thi toàn quốc về xây dựng các bài giảng điện tử để xây dựng kho học liệu số dùng chung. Đề án Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì cùng với Bộ GD-ĐT và các đối tác tài trợ đang xây dựng một nền tảng kho học liệu số trực tuyến. Hệ thống này sẽ thu thập, lựa chọn, chia sẻ học liệu số dùng chung, cung cấp nguồn học liệu số phong phú, tin cậy góp phần triển khai ứng dụng CNTT đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đặc biệt phục vụ dạy học trực tuyến. Hệ thống cũng cho phép cộng đồng tham gia biên soạn, đóng góp học liệu số lên kho dùng chung. Với những bài giảng e-learning sinh động, HS ở những khu vực khó khăn có thể được học những bài giảng của thầy cô dạy giỏi ở thành thị, mang lại sự công bằng trong tiếp cận nội dung giáo dục có chất lượng của người học giữa các vùng miền.
Đến nay, dự án này đã hoàn thành phần mềm nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu trên địa chỉ igiaoduc.vn và cập nhật gần 5.000 bài giảng e-learning (do GV xây dựng), hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình và hệ thống ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến.
Phải chính thức hóa tỉ lệ học trực tuyến
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể giải quyết hầu hết bài toán mà ngành GD-ĐT có thể đặt ra, sẵn sàng đáp ứng xu thế của đào tạo tương lai, thời gian đào tạo ngắn hơn, thực tế hơn, nội dung bám sát những kiến thức, kỹ năng cần thiết, học từ thực tiễn với mô hình "On-the-job-training" và học tập suốt đời. Bộ GD-ĐT nên cân nhắc thay đổi một số quy định để chính thức hóa tỉ lệ học trực tuyến, ví dụ 15%-30% cả khi không còn dịch Covid-19.
Bình luận (0)