Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI), sự xuất hiện của công nghệ tài chính có ảnh hưởng lớn đến xu hướng phát triển các dịch vụ ngân hàng (NH). Các NH truyền thống đang nỗ lực thích ứng và cập nhật công nghệ nhằm thay đổi mô hình kinh doanh theo hình thức NH số, tăng tiện ích cho khách hàng và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Số hóa hoàn toàn các dịch vụ tài chính
Mới đây, Quyết định 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ NH số đã tạo ra một cơ hội lớn để các NH tiếp cận với khách hàng đại chúng, cung cấp giải pháp tài chính thuận tiện với chi phí hợp lý trước sự cạnh tranh lớn từ các công ty Fintech (kỹ thuật tài chính).
Theo Phó Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Kim Anh, hoạt động chuyển đổi số đã được 95% tổ chức tín dụng chủ động triển khai, xây dựng chiến lược. Hầu hết NH đều ứng dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ. Hiện có 9/19 nghiệp vụ đã được một số NH số hóa hoàn toàn như gửi tiết kiệm; tiền gửi có kỳ hạn; mở và sử dụng tài khoản thanh toán; thẻ NH; ví điện tử; chuyển tiền; quản lý nhân sự; kế toán - tài chính... Nhiều NH cũng đã ứng dụng các công nghệ để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân... giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút ngắn thời gian giải ngân, cho vay. Với các doanh nghiệp, sức ép từ dịch Covid-19 cũng buộc họ phải tăng tốc quá trình số hóa để bắt kịp với sự phát triển không ngừng của thanh toán không tiền mặt và thương mại điện tử. Khi người dân thực hiện các giao dịch, dịch vụ và mua sắm online, phương thức thanh toán điện tử là tiêu chuẩn để dịch vụ công trực tuyến đạt tới mức độ 4, mức độ cao nhất trong hệ thống dịch vụ công của Việt Nam (yêu cầu cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí được thực hiện trực tuyến).
Thanh toán qua mã QR ngày càng phổ biến, góp phần kích thích thanh toán không dùng tiền mặt Ảnh: LAM GIANG
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy nhanh tốc độ triển khai phương thức thanh toán di động để hỗ trợ phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt đang được Chính phủ đặt mức ưu tiên cao. Sau quá trình thẩm định, giải pháp Mobile Money của VNPT, Viettel và MobiFone đang trong quá trình hoàn thiện thêm một số nội dung về triển khai để trình NH Nhà nước thẩm định lại. Chỉ với điện thoại di động, không cần tài khoản NH hoặc kết nối internet, Mobile Money được kỳ vọng có thể trở thành công cụ hiệu quả giúp Chính phủ thúc đẩy phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Tỉ trọng giao dịch trực tuyến nhảy vọt
Theo NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nếu nhìn ở góc độ tích cực, tác động của dịch Covid-19 đã giúp thúc đẩy thanh toán online lên một bước tiến mới. Người dùng nhận ra những tiện ích của phương thức thanh toán này để hạn chế tiếp xúc trực tiếp với tiền mặt nhằm phòng ngừa Covid-19.
Với những người kinh doanh, sử dụng thanh toán online giúp họ mở rộng phạm vi buôn bán, tăng cơ hội bán hàng thông qua kênh đặt hàng - thanh toán online. Phương thức định danh điện tử (eKYC) được các NH triển khai, giúp người dùng mở tài khoản thanh toán trên ứng dụng di động ngay tại nhà, mở tài khoản ví điện tử và áp dụng eKYC để định danh. Theo ghi nhận tại nhiều NH thương mại, kênh thanh toán online tăng mạnh trong thời gian qua. Tại NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), sự gia tăng các tiện ích trên NH số giúp duy trì tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của NH này ở mức tích cực khi đạt tới 46,1% trong nửa đầu năm, không thay đổi so với cuối năm ngoái. Số dư tiền gửi không kỳ hạn tăng tới 55,1% trong vòng 12 tháng qua. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Techcombank đã thu hút thêm gần nửa triệu khách hàng mới, khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân lần lượt tăng 94,5% và tăng 122,5% so với cùng kỳ.
Các NH không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số để cung cấp những giải pháp tài chính tối ưu cho khách hàng. NH TMCP Nam Á cho biết 6 tháng đầu năm 2021, giao dịch online qua các kênh trực tuyến của NH tăng mạnh, số lượng khách hàng tăng 195%, số lượng giao dịch tăng 239% và tổng giá trị giao dịch tăng 302% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong những tháng gần đây, tỉ lệ khách hàng giao dịch online tăng liên tục qua từng tháng. NH số là một bước phát triển đột phá, cho phép các NH thương mại truyền thống thông qua áp dụng công nghệ và dữ liệu số tạo nên những sáng tạo đột phá cho sản phẩm dịch vụ truyền thống để cạnh tranh về biên độ chi phí, đồng thời mở rộng các sản phẩm dịch vụ…
NH TMCP quốc tế (VIB) áp dụng công nghệ Big Data, AI và điện toán đám mây vào các giao dịch nhằm rút ngắn quy trình thanh toán cho người dùng. Theo ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Công nghệ thông tin VIB, khách hàng dễ dàng mở thẻ để thanh toán, mở tài khoản, gửi tiết kiệm trực tuyến, chuyển tiền… và các dịch vụ NH khác của VIB 24/7 ngay tại nhà mà không phải đến chi nhánh NH, không cần gặp nhân viên hay không cần hồ sơ giấy tờ. Hiện tỉ trọng số lượng giao dịch trực tuyến lên tới 91% so với tổng số lượng giao dịch tại VIB.
Người dùng có nhiều lựa chọn
Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức thẻ quốc tế Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng, 85% người tiêu dùng Đông Nam Á chấp nhận các phương thức thanh toán số như thanh toán bằng thẻ, thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc, thanh toán di động, ví điện tử và thanh toán bằng mã QR. Trong đó, gần 2/3 người tiêu dùng ở Đông Nam Á (64%) đã trải nghiệm không dùng tiền mặt, đặc biệt là người tiêu dùng ở Việt Nam (84%), Thái Lan (82%) và Philippines (79%). Theo ông Tareq Muhmood, Giám đốc Visa khu vực Đông Nam Á, việc đa dạng hóa phương thức thanh toán online, thúc đẩy thanh toán di động giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn phương thức, thói quen thanh toán. Khi các hình thức thanh toán mới liên tục xuất hiện, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn hình thức thanh toán sáng tạo và phân nhánh. Vì vậy, các công nghệ kỹ thuật số cần được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu đời sống và hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Bình luận (0)