Những ngày qua, cộng đồng YouTube Việt Nam xôn xao khi hàng loạt kênh nổi tiếng với hàng triệu subscribe (người đăng ký) như Hoa Ban Food, Lâm Vlogs, TXT… "bỗng dưng" bị khóa comment (bình luận) trong các video. Trước đó, hàng loạt kênh của các "giang hồ mạng" như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền... cũng bị YouTube khóa vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.
Làm chơi ăn thiệt
Anh Hà Quốc Quy (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) đã có gần 5 năm gắn bó với công việc bảo vệ trên tàu du lịch nhưng thu nhập bấp bênh, không đủ lo cho 2 con nhỏ. Trong một lần về thăm gia đình tại khu Bình Quới, quận Bình Thạnh, anh đã quay một số clip ghi lại cuộc sống xung quanh nhà. Sau khi anh đăng tải lên YouTube, những clip đó có hàng ngàn người theo dõi. Anh Quy bật tính năng kiếm tiền trên kênh của mình và clip một đàn cá rỉa sạch một con gà chết đã mang lại cho anh 1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng) từ YouTube. Thấy làm YouTube cũng đơn giản, có tiền mà được gần gũi gia đình nên anh Quy quyết định nghỉ làm bảo vệ. Ngày càng "lún sâu" vào công việc này, anh đã lập ra kênh "Thú vui dân dã".
Nhiều kênh YouTube nổi tiếng vừa bị khóa comment Ảnh: CHÁNH TRUNG
Hằng ngày, Quy mang điện thoại ra ao cá, vườn rau đặt ở một góc nhỏ ghi lại hình ảnh bẫy cá, tát ao, săn cá chình… Tất cả đều không có kịch bản, lời thoại cũng hoàn toàn tự nhiên. Dù làm chơi nhưng những clip này đã thu hút lượng lớn người theo dõi, đem lại cho anh mỗi tháng 2.000-3.000 USD (khoảng 45-70 triệu đồng).
"Ban đầu, tôi không tin việc quay video và chia sẻ lên mạng lại cho nguồn thu lớn đến vậy. Tính đến nay, tôi đã làm hơn 1.000 clip và nguồn tiền liên tục tăng" - anh Quy tiết lộ.
Anh Võ Văn Tính, một người chạy xe Grab, lúc lang thang khắp phố phường tại TP HCM để giao hàng đã quay những mảnh đời bất hạnh cho kênh YouTube của mình. Chủ đề đậm tính nhân văn khi khai thác các câu chuyện của những người kém may mắn đã thu hút hàng ngàn người xem, giúp anh có thêm thu nhập mỗi tháng hơn 1.000 USD. Kênh YouTube của anh còn là nơi kết nối các nhà hảo tâm đến những địa chỉ khó khăn cần giúp đỡ...
Một YouTuber nhiều kinh nghiệm, anh Phạm Văn Châu, cho biết những năm 2014-2016, làm YouTube chỉ có những du học sinh thực hiện dưới dạng Vlog (chia sẻ trước ống kính) nhưng nay, cả trẻ em lẫn người lớn tuổi cũng ồ ạt góp mặt. Gần dây, cộng đồng mạng "điên đảo" với các video của bà Bà Tân Vlog, rồi xuất hiện thêm Bà Đường Vlog, Bà Béo, Bà Sáu, ông Ba Vlog. Cuộc cạnh tranh để giành số lượng người đăng ký và lượt xem trở nên khốc liệt.
Tuy nhiên, nội dung các video trên YouTube rất đa dạng. Bên cạnh những video mang tính giải trí, đậm chất nhân văn, cung cấp nhiều thông tin bổ ích thì cũng có không ít clip với hình ảnh bạo lực, tục tĩu...
Siết các kênh vi phạm
Các kênh "giang hồ mạng" của Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền... vốn được nhiều người biết đến.Trên các kênh này, nhiều clip chửi thề, cổ vũ cho bạo lực, sử dụng chất kích thích liên tiếp xuất hiện và thu hút hàng triệu view. Còn các kênh như "G.M.G" đưa lên hàng loạt clip bàn chuyện giới tính, tình dục, ăn mặc sexy, khoe thân; "T.T.M", "C.T.C", "G.H.C.M" thì đầy rẫy cảnh chém giết, đấm đá, trả thù... đập thẳng vào mắt người xem.
Theo chuyên gia công nghệ Phạm Hồng Phước, mặt trái của hiện tượng người người, nhà nhà làm clip rồi đưa lên mạng là dẫn tới sự mất kiểm soát, "xả rác" trên mạng, gây tác hại cho cộng đồng. Tình trạng vlogger và clip tràn lan trên mạng càng thêm nghiêm trọng từ khi những mạng xã hội lớn chịu chia sẻ một phần lợi nhuận của mình cho các cộng tác viên tạo ra nội dung bất chấp tất cả để câu khách, tăng người xem. Tuy nhiên, YouTube đã nhận ra những bất cập, nguy hiểm của tình trạng này nên đang nỗ lực dọn dẹp, làm lành mạnh hóa môi trường của mình. Đây là một động thái cần có, giúp bảo vệ các nhà làm nội dung chân chính.
Đại diện YouTube Việt Nam cho biết: "Gần đây, chúng tôi đối mặt các hành vi tiêu cực của một số YouTuber làm tổn hại đến danh tiếng chung của cộng đồng nhà sáng tạo nội dung và nhất là công chúng. Đối với những hành vi này, chúng tôi cam kết thắt chặt các chính sách của YouTube và sẽ thông tin nhanh chóng và minh bạch hơn. Chúng tôi đã ban hành các biện pháp xử lý mới đối với những trường hợp cá biệt, những hành vi tiêu cực của nhà sáng tạo có thể ảnh hưởng đến cộng đồng".
Theo YouTube Việt Nam, các kênh bị khóa là do liên tục vi phạm nguyên tắc cộng đồng hoặc điều khoản dịch vụ. Ngoài ra, những hành vi lợi dụng hoặc spam, vi phạm chính sách (lời nói căm thù, quấy rối, mạo danh...) cũng bị khóa.
Nhiều chủ kênh YouTube lo ngại việc khóa comment sẽ khiến nhiều kênh mất tương tác với người dùng, ảnh hưởng đến sự phát triển. Liên quan đến điều này, đại diện YouTube Việt Nam cho biết: "Từ ngày 20-2, chúng tôi vô hiệu hóa tạm thời các nhận xét trên một số video nhất định. Đây là một phần trong một loạt các hành động nhằm bảo vệ trẻ vị thành niên. Chúng tôi không xem nhẹ hành động này. Dù người tạo các kênh này và video của họ có thể không vi phạm điều gì nhưng chúng tôi đang áp dụng biện pháp xử lý cứng rắn hơn đối với nội dung có thể gây nguy hiểm cho trẻ vị thành niên. Các tài khoản muốn bật chức năng kiếm tiền phải được xét duyệt rất kỹ từ thời gian tạo đến nội dung thể hiện".
55.000 video clip có nội dung vi phạm
Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố một loạt hành vi vi phạm pháp luật của Google và YouTube. Theo đó, tình trạng các clip xấu, độc được đăng tải trên nền tảng YouTube vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng. Qua rà soát của Bộ Thông tin và Truyền thông, trên YouTube hiện có khoảng 55.000 video clip có nội dung vi phạm pháp luật. Các sai phạm của YouTube gồm: đăng tải những nội dung xấu, độc, nhảm nhí, khiêu dâm, bạo lực, cờ bạc...
Theo báo cáo của YouTube gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có rất nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam, chủ yếu do các nhà sáng tạo nội dung trong nước làm ra.
Bình luận (0)