xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc chiến bản quyền Úc và Big Tech: Phá vỡ bế tắc

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Úc sửa luật và Facebook "đã kết bạn trở lại với Úc và tin tức của Úc sẽ được khôi phục trên nền tảng Facebook"

Trong những tháng đầu năm 2021, chính quyền Úc đã đưa ra dự luật chống lại sự thống trị của Facebook và Alphabet Inc (công ty mẹ của Google) trên thị trường nội dung tin tức ở Úc. Úc yêu cầu 2 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới (Big Tech) này phải trả tiền cho các nhà xuất bản và cơ quan báo chí khi sử dụng nội dung của họ trên các công cụ tìm kiếm hay trên các nền tảng mạng truyền thông xã hội. Cuộc chiến giữa Úc và Facebook đã thu hút sự quan tâm của nhiều nước.

Đôi bên cùng lợi

Để đối phó, Facebook ngày 17-2 đã bất ngờ đóng các trang thông tin của các cơ quan truyền thông đại chúng Úc và chặn người dùng ở Úc chia sẻ và xem nội dung tin tức trên nền tảng của mình. Không chỉ có các trang của chính quyền mà các trang cộng đồng cũng bị ảnh hưởng và nước Úc bị cô lập thông tin trên Facebook đối với thế giới bên ngoài. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng về luồng thông tin, còn làm giảm lượng người đọc dẫn đến thất thu tài chính cho các tờ báo Úc.

Facebook biện minh cho hành động của mình là tránh vi phạm dự thảo luật mới về nền tảng truyền thông và kỹ thuật số mà Úc mới đưa ra. Sau những cuộc điện đàm qua lại giữa Bộ trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg và Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg, một thỏa thuận nhượng bộ đã được ký kết. Theo đó, Úc sửa luật và Facebook "đã kết bạn trở lại với Úc và tin tức của Úc sẽ được khôi phục trên nền tảng Facebook", như lời Bộ trưởng Frydenberg loan báo trong cuộc họp báo tại thủ đô Canberra ngày 23-2. Facebook cũng phải thừa nhận họ "đã sai lầm khi thực thi quá mức" và khiến cho một số nội dung cần thiết cho cộng đồng "vô tình bị chặn" theo.

Cuộc chiến bản quyền Úc và Big Tech: Phá vỡ bế tắc - Ảnh 1.

Cuộc chiến giữa Úc và Facebook bùng lên và khép lại vào trung tuần tháng 2-2021 Ảnh: INTERNET

Bộ trưởng Frydenberg nói thẳng: "Facebook và Google đã không che giấu việc họ biết rằng thế giới đang hướng về Úc. Đó là lý do mà theo tôi nghĩ tại sao họ đã tìm cách để có một luật có thể dễ dàng hoạt động được". Về phía Facebook, trong một tuyên bố phát trực tuyến, bà Campbell Brown, Phó Chủ tịch về đối tác tin tức toàn cầu của Facebook, nói Facebook sẽ tiếp tục đầu tư vào tin tức trên thế giới nhưng cũng phản đối nỗ lực của các tập đoàn truyền thông nhằm thúc đẩy các khung quy định không tính đến việc trao đổi giá trị thực giữa các nhà xuất bản tin tức và các nền tảng mạng xã hội như Facebook. Trong 4 nội dung sửa đổi của dự thảo luật mà Úc nhượng bộ với Facebook, có việc thay đổi cơ chế trọng tài bắt buộc khi các Big Tech không thể đạt được thỏa thuận với các nhà xuất bản về khoản phí thanh toán hợp lý cho việc hiển thị nội dung tin tức trên các nền tảng của họ.

Cuối cùng, vào cuối tháng 2, dự luật sửa đổi Luật Ngân khố - Bộ Luật Thương lượng bắt buộc về nền tảng truyền thông và kỹ thuật số năm 2021 đã được cả 2 viện của Quốc hội Úc thông qua. Một tuyên bố chung của Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg và Bộ trưởng Truyền thông Paul Fletcher cho hay quy tắc này "cung cấp một khuôn khổ cho các cuộc đàm phán thiện chí giữa các bên và một quy trình trọng tài cân bằng và công bằng để giải quyết các tranh chấp đang tồn tại". Họ cho rằng nó sẽ tốt cho hoạt động báo chí. Tất nhiên, không phải bất cứ cơ quan truyền thông báo chí nào cũng có thể được các Big Tech chia sẻ miếng bánh lợi nhuận. Đây là một hoạt động kinh tế trên cơ sở các bên cùng có lợi và mang tính tự thỏa thuận với nhau.

Theo luật mới của Úc, các doanh nghiệp tin tức muốn được trả tiền cho nội dung xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm hoặc mạng xã hội có thể đăng ký (miễn là họ đáp ứng một số điều kiện, bao gồm khả năng kiếm được doanh thu mỗi năm 150.000 USD). Các Big Tech cũng giành quyền được chọn lựa tờ báo mà mình muốn làm đối tác. Chẳng hạn, Google đã quyết định tùy chọn tốt nhất của mình là thương thảo với các nhà xuất bản ở Úc như Tập đoàn Truyền thông News Corp của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch - người làm chủ hàng trăm tờ báo và đài truyền hình lớn nhỏ trên thế giới, cũng như các tổ hợp truyền thông lớn Nine Entertainment, Seven West Media.

Trường hợp điển hình cho các nước

Vào cuối tháng 2, hội nghị các bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm G20 thế giới đã có được những đột phá mới trong cuộc chiến với các Big Tech. Trước đây, do sự cản trở từ chính phủ của Tổng thống Donald Trump, các nước khác đã gặp bế tắc trong việc cố đánh thuế kỹ thuật số đối với các tập đoàn này. Bây giờ, dưới thời Tổng thống Joe Biden, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Mỹ sẽ xóa bỏ trở ngại cho tất cả các bên đồng ý đánh thuế đối với các Big Tech. Trong cuộc chiến giữa chính quyền nhiều nước với các Big Tech có 3 vấn đề lớn. Một là, quyền của nước sở tại trong việc kiểm soát thông tin để nắm quyền chủ động bảo đảm an toàn cho an ninh quốc gia, tránh bị các nền tảng truyền thông xã hội quốc tế lũng đoạn thông tin. Hai là, buộc các Big Tech phải thực hiện nghĩa vụ thuế cho các dịch vụ kinh doanh thu lợi tại nước sở tại. Ba là, các nền tảng truyền thông xã hội phải trả phí bản quyền cho các cơ quan truyền thông đại chúng nước sở tại khi sử dụng các nội dung của họ trên nền tảng của mình. Vì vậy, với các động thái mạnh mẽ và mang tính đi đầu của mình, Úc trở thành điển hình cho cả thế giới trông vào. Người ta kỳ vọng những gì diễn ra ở Úc sẽ trở thành tiền lệ, ít nhất cũng là cơ sở tham khảo, khả thi cho các nước khác.

Vậy Việt Nam có thể tham khảo được những gì từ Úc? Thực tế là không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới có nhiều sự khác biệt so với Úc. Không chỉ có những đặc thù riêng mà chính phủ Úc có được sự hậu thuẫn của cả một tập đoàn truyền thông lớn của tỉ phú Murdoch. Vì thế, Úc sẽ là một tiền lệ và là một điển hình để tham khảo cho các nước khác. Nhiều chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là các nước như Việt Nam cần tập hợp những tập thể truyền thông mạnh để làm đối trọng với các tập đoàn công nghệ xuyên quốc gia và nhất thiết phải có sự chủ động và đứng mũi chịu sào của nhà nước. 

EU cũng vào cuộc

Trong những năm qua, cuộc chiến giữa các nước với các ông lớn công nghệ vẫn không ngừng diễn ra. Mỹ (nước nhà của hầu hết ông lớn công nghệ), Liên minh châu Âu (EU), các nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha... cũng đã tham chiến. Ủy ban châu Âu (EC) đã thúc đẩy chiến lược kỹ thuật số châu Âu, định hình tương lai số của châu Âu với việc soạn thảo 2 sáng kiến luật pháp là Luật Dịch vụ kỹ thuật số và Luật Tiếp thị kỹ thuật số trong nỗ lực đưa các công ty công nghệ xuyên quốc gia vào khuôn khổ khi hoạt động về nội dung và quảng cáo trên lãnh thổ EU. Theo Reuters, EU cũng đang cân nhắc đánh thuế kỹ thuật số cấp khu vực nếu như một thỏa thuận quốc tế không được thông qua vào giữa năm 2021. Đến nay, Google và Facebook vẫn tìm cách để phản bác những quy định đó của EU.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo