Tiểu thương đã sẵn sàng?
Gần đây, có một câu chuyện về quán phở nổi tiếng ở TP HCM bị khách hàng phàn nàn trên mạng xã hội về việc không nhận chuyển khoản. Rất nhanh sau đó, quán đã thể hiện sự cầu thị bằng cách ra thông báo sẽ nhận thanh toán bằng chuyển khoản. "Không (muốn) nhận chuyển khoản" rất có thể đang là tâm lý chung của khoảng 5 triệu tiểu thương, hộ kinh doanh và DN siêu nhỏ vì họ chưa cảm nhận được lợi ích của chuyển đổi số. Các DN siêu nhỏ này cũng đang là nơi làm việc của hơn một nửa lực lượng lao động của Việt Nam.
Ảnh: Hoàng Triều
MoMo xây dựng hệ sinh thái gồm nhiều cấp độ giúp tiểu thương và doanh nghiệp có thể chuyển đổi số trong lĩnh vực bán lẻ hoặc mở rộng mô hình Ảnh: Bình An
Ở góc độ của một người đang tham gia quá trình chuyển đổi số của xã hội, tôi cho rằng nếu có thể hỗ trợ những DN siêu nhỏ này tham gia một hệ sinh thái trên nền tảng số đồng nghĩa sẽ tạo ra được sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với cả xã hội, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 5-11-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhắc lại thông điệp "không ai bị bỏ lại phía sau trong phát triển chuyển đổi số" và cần quan tâm đến khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Dù vậy, những đối tượng yếu thế nhất trong chuyển đổi số không chỉ về mặt địa lý mà còn là đông đảo những người thu nhập thấp đang mưu sinh tại các đại đô thị, khu vực trung tâm của đất nước. Những người này có thể là tiểu thương buôn bán nhỏ, chủ các hộ kinh doanh nhỏ hoặc đang làm việc tại DN siêu nhỏ trong các ngành nghề khác nhau. Với đặc thù công việc, mọi giao dịch đều bằng tiền mặt và ít có cơ hội để tiếp cận với tín dụng chính thức.
Ðối với người lao động, nhận lương bằng tiền mặt đã khiến họ gần như vô hình trên hệ thống chấm điểm tín dụng cá nhân của các tổ chức tài chính. Do vậy, họ trở nên yếu thế, bất lợi khi muốn tiếp cận các giải pháp tài chính. Ðây là "nút thắt cổ chai" mà các Fintech và các định chế tài chính cần cùng phối hợp tham gia xử lý.
Ða số tiểu thương đều ưa thích đóng thuế khoán, sử dụng tiền mặt cho mọi giao dịch và thiếu các công cụ hoặc phương tiện điện tử để hỗ trợ theo dõi việc kinh doanh. Với quy mô nhỏ, họ rất quan tâm đến chi phí và lợi ích một khi thực hiện chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt. Một yếu tố rất quan trọng nữa được quan tâm là liệu thuế khoán có thay đổi sau khi áp dụng chuyển đổi số và thanh toán điện tử hay không.
Phá băng tâm lý
Ðối với DN nhỏ và tiểu thương, việc có thêm doanh thu bán hàng thông qua các nền tảng thương mại điện tử, chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và tiếp cận được với tài chính số là những lợi ích hết sức cụ thể và thiết thực để thuyết phục họ chuyển đổi số.
Ðể khởi đầu quá trình
và giải quyết lợi ích của các tiểu thương, cần bảo đảm các yếu tố:
- Sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số phải rất đơn giản, có thể sử dụng ngay trên những thiết bị đơn giản và phổ biến như điện thoại thông minh (cấp thấp) hay máy tính bảng. Sản phẩm phải hoạt động được trên nhiều nền tảng thương mại điện tử.
- Chi phí sử dụng dịch vụ và đầu tư trong giai đoạn đầu phải gần như bằng 0. Gia tăng được sản lượng bán hàng của tiểu thương và giúp họ quản lý khách hàng, quản lý thu - chi từ các nguồn khác nhau.
- Việc thanh toán phải diễn ra rất nhanh với chi phí dịch vụ chuyển tiền không đáng kể hoặc bằng 0. Ðược sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về chủ trương chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, ưu đãi về chính sách (thuế, phí).
Trên thị trường hiện nay, nhiều đơn vị đã có khả năng cung cấp các giải pháp riêng biệt phục vụ cho từng nhu cầu nêu trên của tiểu thương, tuy nhiên một giải pháp trọn gói vẫn rất cần thiết.
Ðối với các tiểu thương, chuyển đổi số có thể bắt đầu từ điều đơn giản nhưng thiết yếu nhất là thanh toán không dùng tiền mặt. Với mô hình trước đây, chủ yếu những quán ăn sang trọng mới chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Còn giờ đây, tiểu thương có thể tự in mã QR từ tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử, dán ngay tại bàn để khách hàng thanh toán hoàn toàn miễn phí hoặc chuyển tiền nhanh miễn phí bằng số điện thoại qua ví điện tử.
Ðối với giải pháp trọn gói, mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ có cách tiếp cận khác nhau. Như tại MoMo, chúng tôi đã xây dựng một hệ sinh thái bao gồm nhiều cấp độ để giúp tiểu thương và DN có thể chuyển đổi số trong lĩnh vực bán lẻ hoặc mở rộng mô hình. Với các tiểu thương, ngoài việc cung cấp thanh toán không dùng tiền mặt qua mã QR, MoMo cung cấp một giải pháp quản lý thu - chi, quản lý khách hàng rất đơn giản thông qua ứng dụng điện thoại di động thông minh. Chỉ mất khoảng 3-5 phút là có thể cài đặt hoàn thiện và sử dụng.
Những tiểu thương có nhu cầu cao hơn liên quan việc bán hàng đa kênh trên trang web và các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki... sẽ được cung cấp ngay giải pháp bán hàng đa kênh thông qua "Nhanh.vn", giúp hỗ trợ bán hàng và quản lý tồn kho, kết nối các đơn vị vận chuyển, hỗ trợ marketing và bán hàng trực tuyến. Nếu các DN hoặc tiểu thương trong ngành ăn uống mong muốn một hệ thống quản lý nhà hàng, quán ăn chính quy thì đã có "Ipos.vn" - đối tác chiến lược của MoMo, cung cấp giải pháp vận hành hoàn chỉnh giúp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động.
Các tiểu thương nếu bắt đầu khởi động quá trình chuyển đổi số thông qua thanh toán không dùng tiền mặt thành công, họ không chỉ tiếp tục tự tìm kiếm và sẵn sàng trả phí cho các giải pháp nâng cao để quản lý bán hàng, còn kéo theo toàn bộ nhân viên sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Ðối với những người thu nhập thấp và gần như không có tài sản, việc tìm kiếm một khoản vay nhỏ từ 5-10 triệu đồng là hết sức khó khăn vì hoàn toàn không có thông tin tín dụng. Thông qua việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trên ví điện tử, họ có thể tạo ra điểm tin cậy dựa vào các thông tin thanh toán, mua bán, chuyển tiền, từ đó có cơ sở để được vay tiền từ các tổ chức tín dụng chính thống.
Hiện thực hóa mục tiêu kinh tế số
Các DN lớn trong tất cả ngành nghề đều thấu hiểu và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, song các DN này chỉ chiếm 2%-3% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh nỗ lực của DN lớn, việc tiếp cận DN nhỏ, tiểu thương buôn bán tại thành phố và các tỉnh là hết sức quan trọng vì đây là một trong những lực lượng rất năng động, tận dụng được các nguồn lực của xã hội và đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước.
Chuyển đổi số là một con đường dài và hành trình nào cũng cần có những bước đi nhỏ bé đầu tiên. Từ quan điểm của người làm Fintech, tôi cho rằng hoàn toàn có thể khởi động quá trình này thông qua việc thanh toán không dùng tiền mặt. Khi toàn bộ xã hội làm quen với việc số hóa quá trình thanh toán, khi những tô phở, những ly trà đá, cắt tóc vỉa hè... đều có thể thanh toán không dùng tiền mặt thì quá trình chuyển đổi số đã được khởi động và chúng ta có thể dẫn dắt họ đến những mô hình số hóa phức hợp hơn như kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, tiếp cận tài chính và bảo hiểm số.
Với những lợi ích đạt được, tiểu thương và những người thu nhập trung bình và thấp sẽ trở thành động lực thúc đẩy toàn xã hội tham gia nền kinh tế số. Và tôi tin chúng ta sẽ đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm 25% GRDP của các thành phố trước năm 2025.
Bình luận (0)