Ngày 26-3, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công ty CP CN Sao Bắc Đẩu tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số - Xu thế tất yếu của sự phát triển".
Chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết: "Chúng ta đang sống trong một giai đoạn đặc biệt, khi nhiều thành tựu công nghệ xuất hiện cùng lúc, có những bước phát triển đột phá, cho phép chúng ta làm được những thứ trước đây chúng ta không thể làm.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội thảo
Cách đây hơn 1 năm, khi đại dịch Covid -19 ập đến, xã hội giãn cách, chúng ta mới nhận ra rằng các hoạt động trên không gian số có thể giúp cuộc sống diễn ra một cách bình thường, một trạng thái bình thường mới. Đó chính là chuyển đổi số! Chuyển đổi số chỉ đơn giản là thay đổi cách nghĩ, dùng dữ liệu số và công nghệ số để thay đổi cách làm, để chúng ta có thể làm việc cũ tốt hơn, làm việc cũ theo cách mới, hoặc làm việc mới mà trước đây chưa thể làm được.
Chuyển đổi số có được nhờ sự hội tụ trong cùng một giai đoạn của những công nghệ số đột phá. Chúng ta đang sống trong giai đoạn này, vài chục năm mới có một lần. Chuyển đổi số là một hành trình, gồm 3 trụ cột chính, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, chuyển đổi số trong doanh nghiệp và chuyển đổi số trong người dân".
Hơn 500 đại biểu tham dự hội thảo
Thứ trưởng Dũng lấy ví dụ thay vì người dân phải tìm đến cơ quan nhà nước khi có nhu cầu thì chính quyền chủ động phục vụ người dân khi thấy họ có nhu cầu. Trước đây, một em bé khi sinh ra thì phải đi làm thủ tục khai sinh, rồi đến kỳ thì đi tiêm phòng, còn chính phủ số sẽ cấp cho em bé một mã định danh công dân khi em bé được sinh ra, chủ động biết em bé khi nào đến kỳ hạn tiêm phòng và chủ động nhắc nhở gia đình em bé về việc này.
Chuyển đổi số nhằm phát triển chính quyền số có thể đóng góp giá trị tương đương 1% GRDP của tỉnh. Chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế số có thể đóng góp giá trị tương đương 20% GRDP của tỉnh. Còn chuyển đổi số nhằm phát triển xã hội số có thể đóng góp giá trị tương đương 3% GRDP của tỉnh. Từ đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề xuất Đắk Lắk tập trung vào giải quyết một số vấn đề trọng tâm, cụ thể.
Hệ thống giám sát thông minh giới thiệu tại hội thảo
"Chuyển đổi số là một hành trình dài, vì vậy chúng ta phải đi cùng nhau thì mới có thể đi được xa. Bộ TT-TT là người bạn đồng hành của mọi cơ quan, tổ chức trên hành trình này. Bộ đã ban hành bộ chỉ số giúp các cơ quan, tổ chức có chiếc la bàn, có chiếc đồng hồ công-tơ-mét để đo xem mình đã đi được bao xa. Chuyển đổi số không phải chỉ hoàn toàn là số, chuyển đổi số bản chất là con người, là trái tim…" - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Lợi ích lớn
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết mục tiêu về chính quyền số của tỉnh Đắk Lắk là 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, từ 90% trở lên hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% trở lên hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% trở lên hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Kinh tế số chiếm 20% GRDP, tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động hằng năm tăng bình quân 7%, phát triển 20 doanh nghiệp số có quy mô từ 500 đến 1.000 người. Về xã hội số, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình, 100% xã, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh, tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%, xây dựng thành công nền tảng đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk giới thiệu đề án chuyển đổi số của tỉnh
Tỉnh Đắk Lắk cũng xác định 7 lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và bền vững, giáo dục và đào tạo, y tế, giao thông vận tải và logistics, công nghiệp và năng lượng, tài nguyên môi trường và du lịch.
Ví dụ, về y tế sẽ phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người. Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số. Sử dụng thanh toán điện tử, hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy. Hình thành các bệnh viện thông minh, thử nghiệm triển khai sáng kiến "Mỗi người dân có một bác sĩ riêng" với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân.
Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất
Cũng theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 -2025, vốn xây dựng cơ bản là 300 tỉ đồng, vốn sự nghiệp: 20 tỉ đồng/năm. "Ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cũng đang đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, khám chữa bệnh. Theo tính toán sơ bộ của lãnh đạo Sở Y tế, chỉ riêng lĩnh vực này, nếu thực hiện được thì mỗi năm sẽ tiết kiệm khoảng 60 tỉ đồng" - ông Hà chia sẻ.
Hướng tới một quốc gia số
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT-TT, cho biết chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Bình luận (0)