Thông tin thẻ tín dụng được cho là của khách hàng Thế Giới Di Động bị lộ trên mạng khiến nhiều người dùng rất lo lắng. Ảnh: Chánh Trung.
Cục An toàn thông tin tối 8-11 cho biết cơ quan này đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp làm việc với Thế Giới Di Động, vụ việc vẫn đang được xác minh, chưa có kết quả cuối cùng.
Theo Cục An toàn thông tin, các tập tin được tung lên diễn đàn từ nguồn không xác thực nên có thể là thật nhưng cũng có thể là giả, nhất là các dữ liệu cũ. Do đó, đơn vị chức năng đang phối hợp với các bên liên quan để xử lý vụ việc. Cục An toàn thông tin cũng cho biết đã đôn đốc, hướng dẫn doanh nghiệp bảo đảm an toàn thông tin hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Trong khi đó, Thế Giới Di Động vẫn tiếp tục khẳng định hệ thống CNTT của mình vẫn an toàn, mọi thông tin về khách hàng vẫn được bảo mật, khách hàng không nên lo lắng. Về thông tin khách hàng cho rằng có email của họ có xuất hiện trong số thông tin bị lộ, Thế Giới Di Động khẳng định các email này không xuất phát từ nguồn của Thế Giới Di Động. Hacker có thể thu thập email từ nguồn khác ở trên mạng và "gán" cho Thế Giới Di Động.
Theo các chuyên gia bảo mật, việc Thế Giới Di Động có bị hack và lộ thông tin khách hàng hay không cần phải điều tra thực tế và có đánh giá kỹ của các chuyện gia. Theo các chuyên gia, thông tin thẻ tín dụng thì rõ ràng rất khó bị hack, tuy nhiên là rất khó chứ không phải không thể, nhất là khi hacker thực các cuộc tấn công có chủ đích.
Vụ việc này đang được các cơ quan quản lý và các bên có liên quan xác minh làm rõ. Trong khi đó, ghi nhận từ phía người dùng chúng tôi nhận thấy rất nhiều người dùng vẫn đang lo lắng về thông tin thẻ tín dụng của mình. Nhiều người dùng cho biết có giao dịch với Thế Giới Di Động và đã đi khóa thẻ cho an tâm.
Vào thời điểm này, để giúp người dùng bảo vệ thẻ tín dụng, thông tin cá nhân khi thanh toán tránh nguy cơ bị lộ thông tin, đại diện hãng bảo mật Kaspersky Lab Việt Nam khuyến cáo người dùng nên thực hiện ngay các hành động sau:
- Không giao dịch với các website thương mại điện tử lạ
- Với bất kỳ lý do gì, hạn chế tối đa việc chụp hình lại thẻ tín dụng, nhất là cả 2 mặt và lưu trên điện thoại hay email.
- Không giao dịch thanh toán qua các cổng thanh toán trung gian không uy tín.
- Đăng ký với ngân hàng chế độ báo tin nhắn khi thanh toán để hạn chế số tiền bị mất đi nếu thẻ bị hack. Nếu được nên hạn chế số tiền một lần giao dịch (hạn mức có thể cao nhưng xét lại định mức cho mỗi giao dịch)
- Sử dụng chế độ xác thực giao dịch bằng điện thoại ở các giao dịch số lượng tiền lớn khi thanh toán bằng Visa/Master.
- Điện thoại phải có chế độ khóa, vì thông tin thẻ có thể được lưu sẵn trên các ứng dụng. Mất điện thoại đồng nghĩa với mất luôn thông tin thẻ.
- Khi tham gia các trang trực tuyến, nếu website tự động chuyển sang 1 trang web khác yêu cầu thanh toán thì phải cảnh giác vì đây hoàn toàn có thể trang giả mạo của hacker nhằm lấy thông tin tín dụng.
- Nếu được, hãy sử dụng phần mềm bảo mật khi tham gia nhiều vào internet cho dù đó là PC/Laptop hay di động và tablet
Bình luận (0)