Đã có nhiều trường hợp cháy nổ thiết bị điện tử phục vụ học tập trong quá trình các em học online, gây hậu quả đau lòng. Do đó, phụ huynh cần giám sát việc học online của học sinh, nhất là đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Khi điện thoại, laptop có hiện tượng nóng bất thường, cần liên hệ nhân viên kỹ thuật để kiểm tra, xử lý
Ông Trần Thái Hiếu, phụ trách kỹ thuật hệ thống Di Động Việt, cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến điện thoại, laptop bị cháy nổ khi vừa sạc vừa sử dụng là bởi thiết bị sử dụng linh kiện, phụ kiện không phù hợp, không phải hàng chính hãng. "Hàng trôi nổi sử dụng mạch điện tử không đúng thông số kỹ thuật, kéo theo chập điện, điện trở bảo vệ bị cháy gây nên tình trạng đoản mạch và cháy nổ" - ông Hiếu chỉ rõ.
Còn theo đại diện hệ thống H-Nam, nếu để máy cạn pin (dưới 20%) mới sạc thì dễ dẫn đến cháy nổ điện thoại bởi tác động từ việc sạc khiến máy nóng lên bất thường. Ngoài ra, không nên tiếp tục sử dụng thiết bị khi pin có dấu hiệu bị phồng vì sẽ rất nguy hiểm trong quá trình sạc điện. Một tình huống khác cũng có thể gây cháy nổ là trong khi sạc, đầu cắm tiếp xúc không tốt với ổ cắm, dẫn đến hiện tượng phóng điện do điểm tiếp xúc điện bị lỏng.
Các chuyên gia công nghệ lưu ý đối với laptop đời cũ, không nên vừa cắm sạc vừa sử dụng. Đặc biệt, nếu máy đã được thay pin mới không rõ nguồn gốc thì nguy cơ cháy nổ càng cao. Hiện, chỉ một số máy model mới được trang bị nhiều mạch bảo vệ trước các trường hợp quá áp, quá tải, quá nhiệt; hoặc một số dòng laptop có cơ chế bảo vệ thông minh, chẳng hạn pin hư sẽ không mở được nguồn khi cắm sạc.
Các chuyên gia còn khuyến cáo tránh để máy tiếp xúc với nước hoặc không vệ sinh máy kỹ lưỡng sau khi tiếp xúc với nước. Nếu pin laptop, điện thoại bị hỏng, cần tới ngay các trung tâm bảo hành chính hãng để thay.
Bình luận (0)