Nhiều bước tiến dài
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, các quy trình số hóa được triển khai sớm và thể hiện được hiệu quả khá lớn.
Vừa nhận danh hiệu "DN chuyển đổi số xuất sắc 2021", Viettel Post trong một thời gian ngắn khi phải đối mặt với tác động tiêu cực của dịch bệnh đã áp dụng những công nghệ mới nhất trong vận hành dịch vụ logistics, sở hữu hạ tầng phân tích và lưu trữ dữ liệu lớn cũng như thừa hưởng công nghệ tối tân của Tập đoàn Viettel.
"Trước đây, Viettel Post từng đưa ra quyết định kinh doanh dựa trên kinh nghiệm và những số liệu thu thập từ các phần mềm riêng lẻ đòi hỏi nhiều thời gian thống kê. Nhưng hiện nay, với việc áp dụng cộng nghệ, chỉ sau những cú nhấp chuột, chúng tôi có thể theo dõi toàn trình của bưu gửi, nắm bắt chu kỳ thay đổi thị trường, hiểu rõ nhu cầu khách hàng tại từng địa phương. Từ đó, có thể đưa ra chiến lược kinh doanh thích hợp, ứng phó với nhiều kịch bản của thị trường" - đại diện Viettel Post cho hay.
Hiện Viettel Post đã hoàn thành và liên tục nâng cấp hệ sinh thái số cung cấp dịch vụ tới khách hàng, gồm: ứng dụng chuyển phát ViettelPost, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, giải pháp quản lý bán hàng đa kênh ViettelSale và sàn vận chuyển đa phương thức MyGo…
"Chuyển đổi số tại Viettel Post không diễn ra một sớm một chiều mà là quá trình liên tục và xuyên suốt, gồm nhiều bước: tin học hoá, ứng dụng các phần mềm riêng lẻ rồi số hoá, kết nối mạng trên phạm vi nhỏ và sau đó kết nối hệ thống trên diện rộng, đồng bộ dữ liệu để các hệ thống, phần mềm có thể tương tác, tích hợp với nhau" - Phó Tổng Giám đốc Viettel Post Nguyễn Hoàng Long cho biết.
Trong nhóm tập đoàn nhà nước, không ít đơn vị đặt mục tiêu chuyển đổi số từ trước khi dịch Covid-19 diễn ra. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa hình thành hệ sinh thái số với tên gọi EVNCONNECT, gồm 2 thành phần chính: hệ sinh thái kết nối, hội nhập với các nền tảng số của quốc gia, các nền tảng số của các ngành trong nền kinh tế số và hệ sinh thái nội bộ phục vụ các nghiệp vụ trong EVN.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV tập đoàn, cho hay hơn 29 triệu khách hàng sử dụng điện là một môi trường lý tưởng, tiềm năng cho các đối tác có thể phối hợp, gia tăng các dịch vụ nhằm tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân, thu hẹp "khoảng cách số" giữa khu vực thành thị - nông thôn và là tiền đề góp phần mang lại thành công trong việc triển khai chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. "Năm 2022, EVN dự kiến cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và tạo tiền đề để hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025" - ông Thành thông tin.
Khảo sát của Base cho thấy năng lực công nghệ và chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của DN trong giai đoạn bình thường mới
Đòi hỏi tất yếu
Kết quả khảo sát của Công ty CP Base Enterprise với sự tham gia của 271 DN cho thấy dịch Covid-19 buộc DN phải có chiến lược ứng phó riêng. Đáng chú ý, nếu như chỉ có 26,88% DN cho biết sẽ thúc đẩy doanh thu bằng cách chuyển đổi, mở rộng mô hình kinh doanh, kênh phân phối… thì có đến 44,66% DN cho biết đầu tư triển khai công nghệ, chuyển đổi số cho vận hành nội bộ. Ngoài ra, sau khi gỡ bỏ giãn cách, chỉ có 8,74% DN quay lại làm việc văn phòng như trước và có đến 60,47% kết hợp làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng (hybrid work).
Đặc biệt, có 22,13% DN quay lại kinh doanh tại chỗ hoàn toàn trong khi có đến 77,08% DN cho biết kết hợp kinh doanh online và tại chỗ. Có 85,77% DN có quan tâm tìm hiểu công nghệ giúp gia tăng hiệu suất vận hành để đẩy nhanh tốc độ phục hồi.
Báo cáo ghi nhận các DN cho rằng Covid-19 đem lại cơ hội cho họ đẩy mạnh tham gia chuyển đổi số, bán hàng trên sàn thương mại điện tử, phát triển kênh online và thanh toán không dùng tiền mặt. "Chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết giúp DN thích ứng với mọi thay đổi khi dịch bệnh được dự báo sẽ khó chấm dứt trong 1-2 năm tới" - báo cáo nêu ý kiến của các DN tham gia khảo sát.
Tại một tọa đàm về chuyển đổi số mới đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Thái Hòa cho rằng chuyển đổi số như một "cây đũa thần" giúp DN tái cấu trúc và chuyển đổi chiến lược song nhiều DN mới số hóa được một phần nhỏ mà đã ngộ nhận chuyển đổi số thành công.
"Không ít người nhầm lẫn 2 khái niệm chuyển đổi số và số hóa. Số hóa là biến đổi các giá trị thực sang dạng số, còn chuyển đổi số là khi có dữ liệu được số hóa rồi, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... để phân tích, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác. Chuyển đổi số là mức độ cao hơn số hóa" - ông Hòa chia phân tích và lưu ý DN nên làm từng bước từ dữ liệu số đến chuyển dịch thông minh hơn.
Cần chủ động hơn nữa
Bà Đinh Thị Thuý, Tổng Giám đốc Công ty CP MISA (chuyên cung cấp dịch vụ số), cho hay ứng dụng phần mềm lập kế hoạch quản lý ngân sách, DN có thể tiết kiệm 70% thời gian so với việc kế hoạch và trình duyệt qua excel, email.
Ngoài ra, các phần mềm hỗ trợ còn tạo ra cơ sở dữ liệu tài chính cho các ngành, địa phương khi đưa lên thống nhất trên một nền tảng, dữ liệu từ một đầu vào là toàn bộ hệ thống có thể tiếp cận.
Ông Kurt Bình, người sáng lập và CEO công ty Smartlog, thì góp ý Chính phủ cần có tầm nhìn mới về chuyển đổi số trong logistics. Theo đó, chuyển đổi số cần nhanh hơn, xanh hơn, tốt hơn, được hợp tác và chia sẻ tốt hơn. "Chính phủ nên tạo ra nền tảng để các bên đấu nối và chia sẻ ngược lại, ứng dụng AI, blockchain để kiểm soát dữ liệu tốt hơn" - ông nói.
Bình luận (0)