Bộ Y tế đã nắm lấy thời cơ "vàng" khi đại dịch Covid-19, vừa tạo cơ hội vừa đặt ra yêu cầu các hoạt động KCB phải được số hóa và tiến hành từ xa. KCB từ xa đặc biệt phát huy tác dụng, là giải pháp cứu nguy cho cả thầy thuốc lẫn người bệnh trong thời gian đại dịch toàn cầu, mọi người phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt là ở bệnh viện (BV) - nơi dễ lây nhiễm chéo. Ngày 22-6, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT phê duyệt đề án "KCB từ xa" giai đoạn 2020-2025 làm cơ sở pháp lý và chuyên môn cho toàn ngành triển khai. Tới nay, đã có hơn 1.000 điểm cầu KCB từ xa được kết nối với hơn 20 BV tuyến trung ương và BV tuyến cuối của Hà Nội và TP HCM.
PGS-TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc BV Tim Hà Nội, nhận định: "Việc triển khai KCB từ xa góp phần giảm quá tải BV tuyến trên, nâng cao chất lượng hiệu quả KCB và sự hài lòng của người bệnh". KCB từ xa giờ đã trở thành thường quy của BV Đại học Y Hà Nội, đã kết nối gần 60 BV vệ tinh và đến nay có gần 300 ca bệnh khó đã được cứu sống qua phương thức này. BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng vừa công bố khai trương Trung tâm Tư vấn KCB từ xa với 32 điểm cầu trực tuyến là các đơn vị y tế trong khu vực ĐBSCL. BV Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã được giao nhiệm vụ là trung tâm tư vấn KCB từ xa cho 25 tỉnh, thành từ Bình Định đến Cà Mau, giúp hạn chế những trường hợp bệnh nhi nặng phải chuyển viện về TP HCM như trước...
Cái cần nhất trong mạng lưới KCB từ xa là tính đồng bộ về công nghệ và giải pháp. Nếu xử lý không khéo, nó sẽ dẫn tới hệ lụy độc quyền, nhóm lợi ích. Chỉ cần Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn thống nhất, thậm chí mang tính pháp quy, các đơn vị có thể phát triển ứng dụng, hệ thống tương thích. Ngay từ đầu, Bộ Y tế đã có cái nhìn đúng là hệ thống KCB từ xa phải dựa vào sự chung tay của xã hội. Và ngay trong lễ khánh thành, Tập đoàn Viettel đã trao tặng 178 hệ thống hội chẩn từ xa cho các BV tuyến trên, tuyến dưới.
Bình luận (0)