Việc doanh nghiệp Việt Xtreme Studio ngày 10-5 khai trương dịch vụ game thực tế ảo - VR đầu tiên do chính người Việt phát triển mang tên Top of Vietnam trên đỉnh tòa nhà cao nhất Việt Nam - Landmark 81 (quận Bình Thạnh, TP HCM) - gợi ra 2 ý tưởng: có thể mở rộng ứng dụng VR vào nhiều lĩnh vực và người Việt hoàn toàn có khả năng làm chủ công nghệ này.
Nhiều nước áp dụng
Việc ứng dụng VR có thể giúp người ta ngồi tại nhà mà vẫn thỏa mãn đam mê trải nghiệm du lịch khắp thế giới. Trước khi đặt vé đi đâu đó, du khách có thể làm một chuyến du lịch ảo nháp hay tham khảo những khách sạn mà mình dự định trú ngụ.
Ngành du lịch - lữ hành trên thế giới đã nhanh chóng khai thác các ưu thế của VR cho hoạt động của mình. Tùy khả năng làm chủ công nghệ và óc sáng tạo mà người ta có thể tạo ra những nội dung VR ảo như thật. Theo trang The Conversation, sau một chuyến du lịch ảo bằng thiết bị VR tới thăm rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier Reef ngoài khơi Queensland (Úc), những người trải nghiệm cho biết họ có cảm giác như đang ở đó.
Khách tham quan tòa nhà Landmark 81 (quận Bình Thạnh, TP HCM) trải nghiệm cảm giác nhảy dù “ảo” Ảnh: LAM GIANG
Tổng cục Du lịch Úc đã thực hiện những video VR 360 độ giới thiệu các điểm du lịch trên khắp cả nước. Kết quả nghiên cứu do cơ quan này thực hiện cho thấy có 20% khách hàng đã dùng thiết bị VR "tham quan nháp" ở nhà để chọn điểm đến du lịch cho mình. Có khoảng 25% người được tham khảo cho biết họ sẽ sử dụng VR cho những chuyến du lịch trong tương lai. Chẳng hạn với video VR về vịnh Stokes trên đảo Kangaroo ở Nam Úc, người xem có cảm giác như mình đang đứng giữa những đàn kangaroo tại điểm đến du lịch hấp dẫn này. Cảm giác rất thật, vượt xa hẳn xem trên phim 2D bình thường hay thậm chí những ứng dụng tương tác cũ.
Hồi tháng 3-2018, nhà chức trách Thái Lan cho đóng cửa vịnh Maya nổi tiếng - nơi từng được dùng để quay bộ phim "The Beach" của Hollywood - vì tình trạng du khách quá tải đã đe dọa các rạn san hô ở đây. Và công nghệ VR có thể giúp những người thích du lịch trên toàn thế giới có được các trải nghiệm như đang ngao du ở vịnh Maya dù họ ở ngay trên giường ngủ nhà mình. Và Thái Lan có thể vừa khoe danh thắng của mình với thế giới vừa bảo vệ được môi trường. Tất nhiên, những doanh nghiệp và người trước nay kiếm tiền từ các tour du lịch này "hận và ghét VR". Những chuyến tham quan ảo bằng VR đến các viện bảo tàng nổi tiếng thế giới luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Phương cách này giúp có thêm vô số người trên khắp thế giới có thể chiêm ngưỡng được những kiệt tác, hiện vật đang được trưng bày tại các viện bảo tàng nổi tiếng mà trong đời khó thể tới tận nơi.
Theo trang Code Brew, công nghệ VR chính là một viễn cảnh tương lai của ngành du lịch. Kết quả một cuộc nghiên cứu cho thấy có tới 80% người sau khi trải nghiệm du lịch VR cho biết họ có cảm giác như được chuyển tới một thế giới khác. 51% số người tham gia trải nghiệm du lịch VR nói rằng họ xem đây là một công nghệ rất lôi cuốn. 64% người ở độ tuổi 18-24 khẳng định sẽ tới các cửa hàng lữ hành có trang bị công nghệ VR. 31% du khách đã đặt tour du lịch sau khi trải nghiệm qua VR. Có tới 71% cho biết sẽ tải các nội dung du lịch VR về thiết bị của mình để trải nghiệm.
"Khoe" di sản Việt với thế giới
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước sự chuyển biến mạnh mẽ công nghệ VR và bước đầu đã ứng dụng vào khai thác sản phẩm dịch vụ, du lịch giải trí nhằm thêm sản phẩm mới thu hút du khách. Nhiều doanh nghiệp nhìn nhận ứng dụng công nghệ VR là xu hướng có tiềm năng để đưa vào sử dụng trong việc quảng cáo, quảng bá sản phẩm.
Hiện ở hầu hết khu vui chơi, giải trí tại Trung tâm Thương mại Vincom (Tập đoàn Vingroup) đều có khu trò chơi thực tế ảo. Mới đây, du khách tham quan tòa nhà Landmark 81 có thể được trải nghiệm những cảm giác mạnh khi nhảy dù "ảo" qua trò chơi VR (Top of Vietnam) quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Trò chơi được thiết kế đặc biệt cho đài quan sát Landmark 81 SkyView, người chơi trải nghiệm nhảy dù từ độ cao 461 m. Top of Vietnam đã sử dụng công nghệ VR tiên tiến nhất hiện nay, đem lại trải nghiệm sống động như thật. Theo tìm hiểu, đội ngũ phát triển đã dày công nghiên cứu, thử nghiệm và giả lập lại toàn bộ môi trường 3D của tòa nhà Landmark 81 và quang cảnh TP HCM sống động như thật. Khác với game 2D, người chơi cần tiếp xúc và điều khiển trò chơi thông qua nút bấm. Với VR, trò chơi cho phép du khách sống trong không gian ảo như thật, nhìn thấy bàn tay ảo, có thể cầm, nắm, sờ, chạm… và thực hiện các nhiệm vụ leo trèo, nhảy dù không khác gì ngoài đời thật. Sản phẩm được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều du khách đến tham quan đài quan sát Landmark 81 SkyView và trải nghiệm.
Sẽ rất uổng phí nếu như chỉ để công nghệ VR phục vụ các game thủ. Hiện nay, Việt Nam đã có các điều kiện cần và đủ để ứng dụng công nghệ VR vào nhiều lĩnh vực, vượt khỏi phạm vi các phòng game. Chẳng hạn như khai thác VR để quảng bá du lịch cũng như "khoe" các điểm đến di sản, di tích và danh thắng của Việt Nam với thế giới. Nhân ngày Di sản Thế giới 18-4, Google Arts and Culture đã mở rộng dự án Di sản Mở (Open Heritage) với phiên bản số hóa 3D Lăng Tự Đức (TP Huế) là di sản Việt Nam đầu tiên có mặt trong dự án do Google phối hợp cùng CyArk thực hiện. Từ nội dung này, nếu chuyển lên thiết bị VR, người xem sẽ có được những trải nghiệm tốt hơn hẳn. Hiện nay, nền tảng Street View của Google đã có nhiều nội dung quay video 3D 360 độ về nhiều địa điểm ở Việt Nam mà có thể ứng dụng với công nghệ VR. Phía Việt Nam có thể chủ động hợp tác cùng Google.
Một số công ty du lịch cho biết đã và đang ứng dụng VR vào khai thác sản phẩm, quảng bá du lịch. Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đang định hướng áp dụng VR trong việc tăng sức thu hút cho loại hình quảng cáo truyền thông, chẳng hạn khi du khách xem mẫu thiết kế trên ấn phẩm, cầm điện thoại di động quét thiết kế đó thì trên điện thoại sẽ xuất hiện clip quảng cáo với nhiều không gian ảo liên quan đến nội dung về sản phẩm dịch vụ du lịch. Đối với việc giới thiệu sản phẩm trong bán tour hoặc tại các hội chợ du lịch, Lữ hành Saigontourist sẽ xây dựng nội dung thực tế ảo cho điểm đến trong tour du lịch. Khi giới thiệu tư vấn bán tour, du khách sẽ được xem hoặc sử dụng thiết bị AR (thực tế tăng cường) để trải nghiệm như đang đi du lịch ảo.
Một số công ty du lịch khác đã có kế hoạch xây dựng trung tâm áp dụng công nghệ VR giúp du khách trải nghiệm điểm đến tại chỗ. Hay với những khách sạn nghỉ dưỡng 4-5 sao, có thể tạo lợi thế cạnh tranh khi áp dụng VR để du khách có hình ảnh trực quan về phòng nghỉ, dịch vụ trong khách sạn… Áp dụng công nghệ 4.0 vào du lịch, dịch vụ khách sạn, vui chơi, giải trí để tạo thêm sản phẩm mới, hấp dẫn du khách và nâng cao tính cạnh tranh.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Ngôi Sao Biển, cho biết công nghệ VR đã được nhiều nước áp dụng khá thành công vào quảng bá, xúc tiến du lịch. Bởi du khách có thể "chạm" vào thiên nhiên, phong cảnh, điểm đến như ngoài đời, từ đó làm gia tăng quyết tâm của họ trong việc đặt tour. Mới đây, tại Seoul - Hàn Quốc, một công ty du lịch đã giới thiệu tour cho du khách trải nghiệm bằng VR, trong đó chỉ cần đứng ở Hàn Quốc, du khách có thể tìm hiểu rõ ràng về vịnh Hạ Long của Việt Nam…
Chưa phát triển do chi phí đầu tư cao
Tiềm năng là vậy nhưng theo các chuyên gia, không dễ để áp dụng ở Việt Nam, mà rào cản lớn nhất là chi phí đầu tư. Theo đại diện Lữ hành Saigontourist, để áp dụng công nghệ này vào thực tiễn, cần dùng thiết bị chuyên dụng, đi đến các địa điểm du lịch để quay, sau đó chuyển thể thành nội dung AR, nạp vào thiết bị để cho khách xem và trải nghiệm. Đây là một trong những xu hướng được đánh giá có nhiều tiềm năng khai thác nhưng vẫn còn thiếu nguồn dữ liệu nội dung AR cũng như chưa được đầu tư đúng mức. "Chi phí cho marketing, quảng bá, xúc tiến của Việt Nam vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực nên việc ưu tiên lựa chọn các kênh quảng bá truyền thống thay vì ứng dụng công nghệ như VR là dễ hiểu. Một số công ty du lịch cũng nhìn nhận được tiềm năng của công nghệ này nhưng bài toán chi phí không đơn giản" - ông Huỳnh Văn Sơn phân tích.
Bình luận (0)