Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu các bộ ngành, địa phương chú trọng công tác phòng chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch; bảo đảm phương châm "5k + vắc-xin" và tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng chống dịch.
Gần 34 triệu lượt tải ứng dụng Bluezone
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã chủ trì xây dựng và đưa vào khai thác ứng dụng Bluezone từ tháng 4-2020. Đến nay, Bluezone đã được triển khai các chức năng khai báo y tế, quét mã QR khi vào các địa điểm công cộng, gửi phản ánh đến cơ quan y tế, thông báo tình hình dịch bệnh...
Khi Việt Nam thay đổi chiến lược chống dịch từ "phòng ngự sang tấn công" theo chỉ đạo của Chính phủ, việc truy vết, nắm rõ các thông tin dịch tễ nhờ các ứng dụng như Bluezone là vô cùng quan trọng. Theo đại diện Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT), việc phát hiện tiếp xúc gần qua Bluzone giúp cơ quan y tế truy vết nhanh nhất những người tiếp xúc với các ca nhiễm, nghi nhiễm. Cảnh báo sớm cho người dùng Bluezone nếu đã tiếp xúc với các ca nhiễm, nghi nhiễm. Thống kê của Cục Tin học hóa cho thấy đến nay, đã có gần 34 triệu lượt tải và sử dụng ứng dụng Bluezone. Tổng lượng người cài đặt Bluezone đã tăng hơn 2,6 triệu so với thời bùng dịch lần thứ 4 tại Việt Nam vào ngày 28-4.
Đã có gần 34 triệu lượt tải ứng dụng Bluezone
Một con số đáng chú ý là trong số gần 34 triệu lượt tải ứng dụng Bluezone, có hơn 20,78 triệu người đã nhập số điện thoại của mình vào phần thông tin trên ứng dụng. Thông tin định danh sẽ giúp cho cơ quan y tế, các lực lượng chức năng chủ động truy vết, khoanh vùng, phòng chống dịch từ xa theo chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc chủ động khai báo y tế chính xác, kịp thời của những người từ vùng có dịch về đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác kiểm soát tốt nguồn lây. Từ rất sớm, Việt Nam đã triển khai hệ thống tờ khai y tế điện tử (tokhaiyte.vn), ứng dụng khai báo y tế NCOVI trên nền tảng điện thoại thông minh. Theo báo cáo mới nhất của Cục Tin học hóa, hiện mỗi ngày có hơn 500.000 bản khai y tế, con số này cao gấp nhiều lần so với thời điểm đầu dịch. Đại diện Cục Tin học hóa cho rằng các giải pháp công nghệ phải được triển khai đồng bộ, người dân cần hưởng ứng và đồng thuận để hỗ trợ phòng chống dịch nhanh, hiệu quả.
Nhấn mạnh công nghệ là một trong ba mũi tấn công mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam có đủ bộ giải pháp công nghệ phòng chống Covid-19 từ khâu nhập cảnh, xét nghiệm, truy vết, cách ly đến tiêm vắc-xin. Mới đây, ngày 29-5, bộ đã thành lập Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 đặt tại Cục Tin học hóa nhằm thống nhất một đầu mối toàn quốc về công nghệ, vừa phát triển giải pháp vừa vận hành khai thác các hệ thống thông tin phòng chống dịch.
Các địa phương chủ động vào cuộc
Bên cạnh các giải pháp công nghệ tổng thể do Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành thực hiện, nhiều địa phương cũng đã chủ động ứng dụng công nghệ vào cuộc chiến phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Ngày 31-5, tỉnh Thái Nguyên chính thức triển khai website về phòng chống dịch Covid-19 tại địa chỉ http://covid.thainguyen.gov.vn. Bên cạnh các thông tin về tình hình dịch bệnh, Bản đồ thông tin dịch tễ (CovidMaps) tỉnh Thái Nguyên sẽ được cập nhật thông tin, dữ liệu thường xuyên tại website này. Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thái Nguyên, cho biết người dùng điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối mạng đều dễ dàng truy cập vào bản đồ thông tin dịch tễ để được cung cấp chính xác vị trí của các ca mắc Covid-19, từ đó cảnh báo cho người dân.
Đà Nẵng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Gia Lai, Phú Yên, Lạng Sơn cũng đã nhanh chóng xây dựng bản đồ thông tin dịch tễ và đưa vào sử dụng. Người dân có thể theo dõi tình hình dịch bệnh, lịch sử di chuyển của các F, qua đó để biết và không di chuyển đến các điểm nóng, tránh lây nhiễm dịch bệnh. Người dân cũng có thể xem những điểm cách ly tập trung, các vùng cách ly y tế và chốt kiểm soát dịch bệnh hiển thị trên bản đồ theo thời gian thực.
Tại Hà Nội, người dân khi đến chợ, siêu thị, nhà hàng, công viên, bến xe, bến tàu, bệnh viện… phải quét mã QR để ghi nhận nhằm khai báo y tế. Đây là một trong những biện pháp thu thập thông tin dịch tễ rất quan trọng để phục vụ trong công tác truy vết người có khả năng nghi nhiễm Covid-19. Giải pháp này được thực hiện đồng thời với việc ghi nhận tiếp xúc gần bằng ứng dụng Bluezone trên smartphone.
Với số lượng người phải cách ly tập trung khá lớn ở các địa phương như hiện nay, giải pháp lắp đặt "mắt thần" để giám sát là vô cũng cấp bách. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã đề nghị Bộ TT-TT; Bộ Quốc phòng; chủ tịch UBND các tỉnh, TP triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các cơ sở cách ly tập trung, hoàn thành trước ngày 12-6. Trong hơn 1 tuần vừa qua, một doanh nghiệp công nghệ đã hoàn thành lắp đặt và kết nối tích hợp 3.000 camera giám sát tại các khu vực cách ly thuộc các tỉnh phía Bắc, trong đó có 1.000 camera tại 130 điểm cách ly ở tỉnh Bắc Giang.
Công nghệ phải dễ sử dụng
Để áp dụng công nghệ thành công trong phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý các ứng dụng phải được xây dựng để sử dụng chung, đơn giản cho người dân sử dụng. Bên cạnh đó, cần xác định một số công nghệ chủ chốt là bắt buộc sử dụng để bảo đảm tỉ lệ người dùng đủ cao. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến yếu tố tập trung và liên thông dữ liệu để nâng cao hiệu quả trong truy vết cũng như cảnh báo sớm các nguy cơ về dịch bệnh.
Bình luận (0)