Từ lâu, các nhà chuyên môn đã không ngừng cảnh báo về tính khả tín của các ứng dụng chuyên môn, đặc biệt là về sức khỏe. Chúng cũng chỉ mang tính tham khảo và không thể được sử dụng chính thức cho ngành y tế. Chẳng hạn, làm sao một ứng dụng đo nhịp tim và huyết áp trên smartphone hay đồng hồ thông minh lại chính xác bằng máy đo chuyên dùng.
Không ai phủ nhận được những lợi ích mà các ứng dụng đàng hoàng, ở đây xin nhấn mạnh "đàng hoàng", đem lại cho người dùng. Người dùng sẽ có được bảng theo dõi tình trạng cơ thể mình một thời gian và khi phát hiện bất thường sẽ kịp thời đi kiểm tra chính thống. Chính lợi thế về tính tiện dụng và luôn sẵn sàng để sử dụng của các thiết bị có tích hợp ứng dụng sức khỏe mà người dùng có thể biết thông tin nhanh chóng hơn. Điều may mắn cho tất cả là với trình độ công nghệ hiện nay, cả về thuật toán phần mềm - nhất là dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) lẫn sự tinh vi của các cảm biến, các kết quả đo kiểm của các ứng dụng sức khỏe ngày càng tốt hơn. Và chúng đã giúp ích rất nhiều cho cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc để cải thiện việc chăm sóc sức khỏe. Chính nhờ các thay đổi về thông số kết quả đo kiểm mà các thầy thuốc biết được có gì bất thường đang diễn ra trong cơ thể người bệnh của mình.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew Research Center, vào tháng 2-2019, 81% người Mỹ có điện thoại thông minh. Trong khi đó, những người sống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa thiếu điều kiện để được chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Chẳng hạn, vào năm 2018, có 85,5 triệu người Mỹ sống ở vùng sâu vùng xa như vậy. Và để có thể chăm sóc tốt hơn cho số người này, Mỹ cần có thêm 4.022 bác sĩ vùng nông thôn. Mọi sự trở nên tốt hơn khi có sự trợ giúp của những ứng dụng kiểm tra sức khỏe cài đặt trên smartphone. Kết quả từ chúng được gửi qua internet tới các thầy thuốc tại các bệnh viện để theo dõi. Nhờ đó, việc chăm sóc sức khỏe người dân vùng sâu vùng xa tốt hơn và kịp thời hơn. Vấn đề nằm ở chỗ đang xảy ra tình trạng loạn ứng dụng. Chúng mọc lên như nấm sau mưa. Vào năm 2014, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) báo động là họ không đủ nhân lực, ngân sách để kiểm tra và xác thực số lượng ứng dụng sức khỏe lên tới 97.000 cái. Và trong vòng 10 năm qua, FDA chỉ mới có thể kiểm định được khoảng 100 ứng dụng sức khỏe. Các kết quả kiểm tra của mỗi ứng dụng khác nhau tùy theo chất lượng thuật toán và phần cứng, phương pháp tính toán. Vì thế, người dân mới cần có cơ quan chức năng kiểm chứng các ứng dụng này.
Có lẽ, cũng phải nói rằng: đừng tự chuốc lấy nỗi lo và có thể mất mạng nếu cứ tin vào các ứng dụng sức khỏe tràn ngập trên các kho ứng dụng. Hãy chọn cho mình những ứng dụng từ các nhà phát triển có uy tín và được cài đặt trên những thiết bị bảo đảm chất lượng cao. Tuy nhiên, tất cả các số liệu từ những ứng dụng sức khỏe này cũng chỉ mang tính tham khảo và cảnh báo sớm chứ không thể thay thế cho các trung tâm xét nghiệm y khoa và thầy thuốc chuyên ngành.
Bình luận (0)