Trước đó, một MXH chuyên về du lịch cũng đã ra mắt khá ồn ào.
Theo Viện Chiến lược TT-TT (Bộ TT-TT), vào tháng 5-2018, có khoảng 360 MXH ở Việt Nam đã được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết MXH này chỉ là chuyên ngành, phục vụ những đối tượng hẹp, có rất ít MXH kiểu Facebook... Tất nhiên, có lẽ ai cũng hiểu bên cạnh mục tiêu người Việt xây dựng MXH phục vụ cho người Việt theo kiểu người Việt, cơ quan chức năng mong muốn có thể dễ quản lý về mặt nhà nước và nội dung sạch, an toàn. Cộng đồng mạng cũng như trên những phương tiện truyền thông trong những ngày qua đã có ý kiến về việc xây dựng MXH của Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu làm được thì tốt nhưng vấn đề là ở tính khả thi và liệu có cần phải làm bằng bất cứ giá nào?
Có lẽ vấn đề nằm ngay ở cách đặt vấn đề. Thay vì xuất phát từ mục đích phục vụ người dùng ở Việt Nam, hầu như các MXH Việt ra đời đình đám rồi nhanh chóng chết yểu hoặc chỉ sống "đời thực vật" do tiêu chí phải tìm mọi cách vượt qua và thay thế các MXH hàng đầu thế giới như Facebook... Năm 2010, MXH Go.vn do Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC thực hiện với mục tiêu vào năm 2015, sẽ chiếm 40%-50% lưu lượng truy cập, có khả năng phục vụ cùng lúc 4 triệu người dùng. Trước đó, MXH Zing Me của Công ty VNG với tiềm lực tài chính không hề nhỏ đã ra đời, thách thức Facebook. Một ông lớn khác là FPT Online cũng từng có Banbe.net. Nhiều tiền của đã được đổ ra cho việc xây dựng các MXH nhà nước và tư nhân này, trong đó có cả ngàn tỉ đồng của nhà nước, đáng tiếc, tất cả như nước chảy qua cầu.
Giải pháp tốt cho tất cả là nhà nước (tức các cơ quan chức năng quản lý) chỉ đứng phía sau, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng MXH bằng cách tạo thuận lợi tối đa, thông thoáng về thủ tục và hỗ trợ trong vận hành (miễn không vi phạm các điều ước quốc tế như về bảo hộ nội địa...). Các MXH Việt Nam phải cạnh tranh một cách sòng phẳng, công bằng và hợp pháp với các MXH quốc tế. Trong khi đó, để tạo sự công bằng, nhà nước cũng cần có chính sách thỏa đáng để quản lý chặt chẽ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam của các dịch vụ xuyên biên giới, bảo đảm các bên cùng có lợi và buộc họ tuân thủ nghiêm túc luật pháp sở tại.
Trong khi không thể và không nên cấm tiệt các dịch vụ của nước ngoài giống như Trung Quốc làm ở nước họ với những đặc thù riêng, giải pháp tối ưu của Việt Nam vẫn là cùng chung sống với nhau. Mấu chốt vấn đề là không ai ép ai mà tất cả phải cùng có lợi, dựa trên tập quán và luật lệ quốc tế.
Bình luận (0)