Một quản lý ở Google đã tìm thấy chiếc tai nghe Bluetooth cao cấp bán với giá rất hời trên Google Shopping, trang tìm kiếm mua sắm của công ty này. Ông quyết định đặt mua, chuyển tiền và chờ đợi.
Ngày giao hàng dự kiến đã qua rất lâu nhưng món hàng vẫn chưa tới tay, ông gọi cho chủ cửa hàng nhưng số điện thoại không liên lạc được
Tai nghe không bao giờ đến và số tiền đã mất, theo CNBC.
Thực tế, cửa hàng trên không có trụ sở ở Mỹ. Nó thuộc sở hữu của một người bán không có thật tại Việt Nam, cách Mỹ 12.900 km. Người này không có ý định bán bất cứ thứ gì cho vị sếp Google kia.
Đây là sản phẩm trong danh sách lừa đảo mà Google Shopping ghi nhận được. Trang này trông như được xác thực với mức giá rất hời. Google đã loại những trang này ra khỏi kết quả tiềm kiếm mua sắm.
Từ trường hợp trên, Google Shopping đã khởi xướng một cuộc điều tra toàn cầu, phát hiện và theo dõi 5.000 tài khoản người bán đến từ Việt Nam, nằm trong một hệ thống chuyên lừa gạt người dùng.
Dù đã loại những người trên khỏi danh sách kết quả tìm kiếm nhưng Google vẫn xác nhận nhóm người này đang cố quay lại.
Các "gian thương" chuẩn bị những tài khoản giả hoạt động trên 6 tháng nhằm có độ xác tín cao hơn để tạo gian hàng. Khi một gian hàng bị phát hiện, lập tức có nhiều tài khoản khác tham gia đăng ký nhằm lấp đầy khoảng trống này.
"Rõ ràng, họ đang phối hợp kiên trì với nhau trong nỗ lực quay lại hệ thống của chúng tôi. Điều này thật sự rất độc đáo", Saikat Mitra, Giám đốc mảng Trust & Safety của Google Shopping nói.
Ông lớn Google đang tích cực cố gắng giành lại thế mạnh về công cụ tìm kiếm sản phẩm và tầm ảnh hưởng trong thị trường thương mại điện tử từ Amazon.
Trong khi Amazon và eBay vận hành nền tảng mua sắm bằng cách kết nối người bán với người mua, đồng thời đưa ra các biện pháp bảo vệ như hoàn tiền. Google Shoppong lại chỉ đưa ra các kết quả tìm kiếm về một mặt hàng từ nhiều trang khác nhau. Do đó công cụ này không kiểm soát được những gì xảy ra sau giao dịch.
Google cũng không chịu trách nhiệm về những trò gian lận. Nếu bạn đặt hàng một thứ gì đó từ một trang web tìm thấy thông qua Google Shopping mà không thanh toán qua dịch vụ an toàn như PayPal, có thể bạn sẽ là nạn nhân tiếp theo.
Nếu không để ý góc phải, rất khó để người dùng nhận ra đây là danh sách các sản phẩm được trả tiền để hiển thị trên Google
Tương tự công cụ tìm kiếm cùng hãng, Google Shopping có doanh thu từ quảng cáo. Người dùng nhập tên sản phẩm, chuyển sang thẻ "mua sắm" và tìm kiếm sản phẩm theo giá, màu hoặc kích thước. Nếu không chú ý góc nhỏ bên phải, có lẽ khó để nhận ra các sản phẩm trong danh sách này đã được chi tiền để quảng cáo.
Mô hình đó giúp Google vẫn có tiền từ quảng cáo mà không phải tốn kém tiền của xây dựng một hệ thống lưu kho, vận chuyển như Amazon. Cũng chính lý do không sở hữu nền tảng kinh doanh, Google có ít quyền kiểm soát hơn đối với chủ cửa hàng.
Mặc dù có nhiều chính sách giữ an toàn cho người tiêu dùng như phòng chống hàng giả, đánh giá cửa hàng... nhưng trường hợp tai nghe Bluetooth trên là ví dụ điển hình cho việc còn quá nhiều kẻ hở để các "gian thương" hoạt động, và người dùng vẫn đối mặt với nguy cơ mất thông tin thẻ mỗi ngày.
Bình luận (0)