Mục đích của Zoom nhằm bảo mật hơn nữa quyền riêng tư của người dùng cho cả dịch vụ hội họp lẫn đàm thoại trực tuyến.
Đầu tiên với nền tảng đàm thoại đám mây Zoom Phone, người dùng có thể kích hoạt E2EE trong các cuộc gọi 2 người. Khi bật, E2EE sẽ bảo đảm toàn bộ nội dung cuộc gọi được mã hóa với khóa mật mã mà chỉ thiết bị nhận và gọi mới có thể truy xuất. Người dùng có thể xác nhận trạng thái E2EE bằng mã bảo mật mà họ chia sẻ với người đang đàm thoại.
Lưu ý rằng Zoom Phone hiện mới chỉ cho phép kích hoạt E2EE đối với những người dùng chung một thuê bao công ty Zoom. Họ đồng thời cần phải sử dụng ứng dụng di động hoặc máy tính để bàn Zoom và tắt tính năng ghi âm cuộc gọi. Chủ tài khoản hoặc quản trị viên tài khoản cuộc họp cũng phải kích hoạt E2EE trước khi người dùng có thể sử dụng.
Ngoài Zoom Phone, E2EE còn hỗ trợ các "phòng họp kín" (breakout room), vốn là nơi thành viên các cuộc họp chia sẻ thông tin riêng. Mỗi phòng này sẽ có mã khóa riêng và tương tự như với Zoom Phone, việc kích hoạt E2EE trong trường hợp này cũng phải có sự cho phép của quản trị hệ thống.
Các cuộc gọi trong Zoom đã được mã hóa đầu - cuối tuyệt đối. Ảnh: Engadget
Zoom bắt đầu triển khai cơ chế bảo mật mã hóa đầu-cuối cho các dịch vụ cuộc họp vào 10-2020, tức chỉ vài tháng sau xảy ra đại dịch Covid-19. Do ảnh hưởng bởi đại dịch khiến nhiều cơ quan, tổ chức, công ty, trường học… phải sử dụng dịch vụ Zoom. Tuy nhiên, có nhiều người dùng phản ánh việc xuất hiện các vị khách không mời mà đến "zoombing" làm ảnh hưởng đến các cuộc họp trực tuyến.
Ban đầu, Zoom dự định giới hạn E2EE trong các tài khoản trả phí nhưng sau phản ứng dữ dội của người dùng họ đã cung cấp cho tất cả mọi tài khoản.
"Việc bổ sung E2EE trên diện rộng là nỗ lực mới nhất của Zoom nhằm nâng cao tính bảo mật, sau hàng loạt chỉ trích liên quan tới những sơ hở khiến các cuộc họp bị xâm nhập, phá hoại" - chuyên trang công nghệ Engadget đánh giá.
Bình luận (0)