Trong thời điểm các bệnh viện (BV) bị quá tải vì số bệnh nhân Covid-19 và cộng đồng phải giãn cách xã hội, hạn chế tới mức thấp nhất việc tiếp xúc trực tiếp, hình thức khám bệnh online là giải pháp vừa nhanh chóng vừa bảo đảm an toàn cho các thầy thuốc lẫn người bệnh.
Không hẳn khám là phải "nhìn - sờ - gõ - nghe"
Tuần qua, tại TP Hà Nội, Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Y tế đã khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng phòng chống Covid-19. Có mặt và nói chuyện với người bệnh từ xa qua internet, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là dấu mốc khởi đầu để hướng tới chuyển đổi số của ngành y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo Bộ Y tế, Thủ tướng đã yêu cầu khi dịch bệnh bùng phát, thực tiễn đòi hỏi các BV phải có thêm kênh khám bệnh từ xa, phổ cập hơn nữa, giúp tư vấn khám chữa bệnh, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém và an toàn, nhất là không cần phải đến BV khi không cần thiết, giúp giảm tải cho BV, tránh lây bệnh. Trong một cuộc trao đổi với báo giới gần đây, PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, đại biểu Quốc hội - nhận xét rằng khám bệnh từ xa chính là hướng đi mới của ngành y tế, là sự khởi đầu trong việc ứng dụng công nghệ trong chăm sóc sức khỏe người dân.
Là bác sĩ trực tiếp khám bệnh và một chuyên gia công nghệ, BS Phan Xuân Trung, Giám đốc Công ty Medicons - chuyên về ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, nhìn nhận: "Bác sĩ có cần "nhìn - sờ - gõ - nghe" như đã học trên lâm sàng thì mới xử trí được bệnh nhân không? Không hẳn. Bác sĩ có thể dùng mạng internet để cấp cứu. Bác sĩ có thể tiếp xúc bệnh nhân qua hình ảnh, chẩn đoán hình ảnh, mô tả những bất thường của hình ảnh trên phim X-quang, CT, MRI... Do vậy, chỉ cần chuyển cho bác sĩ những hình ảnh qua mạng thì sẽ nhận được kết quả mô tả như ở BV". Theo bác sĩ Trung, tương tự như vậy, các mẫu bệnh phẩm giải phẫu bệnh đã được xử lý, hình ảnh vi sinh đã nhuộm gram, hình soi đáy mắt đã được chụp, hình ảnh da liễu, hình ảnh nội soi... tất thảy đều có thể được chuyển qua internet cho nhà chuyên môn để chẩn đoán từ xa. Nhiều trường hợp chỉ cần bác sĩ nghe, nhìn qua là đã có ngay chẩn đoán và hướng điều trị. Cũng có những trường hợp cần phải thực hiện nhiều test (kiểm tra) y khoa mới ra chẩn đoán. Có những trường hợp bác sĩ đối thoại với bệnh nhân qua camera. Có những trường hợp bác sĩ cần sự trợ giúp của một nhân viên y tế ở cạnh bệnh nhân. Còn những trường hợp đòi hỏi phải khám lâm sàng, xét nghiệm cụ thể như các bệnh truyền nhiễm, động kinh, chó cắn, sinh nở... thì buộc phải đến BV. Hội chẩn từ xa là một ứng dụng tốt, tuyến dưới có thể gom hồ sơ gửi qua email để được phân tích. Hội chẩn qua hồ sơ thì không cần livestream. Nếu cần quan sát bệnh nhân thì dùng video có độ phân giải cao. Tư vấn bệnh nhân online cũng là cách cung cấp thông tin để bác sĩ cho lời khuyên ban đầu từ xa.
TS Stephen Parodi, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là nhà lãnh đạo của Nhóm Y tế thường trực (Permanente Medical Group - Mỹ), nhận định: "Việc dùng phương thức khám bệnh từ xa là rất quan trọng cho việc kiểm soát đại dịch Covid-19". Hệ thống bác sĩ gia đình vốn phổ biến ở Mỹ trở thành những người gác cổng "first in, last out" là nơi các bệnh nhân được tiếp cận đầu tiên (khi mới phát bệnh) và cuối cùng (giám sát sau khi xuất viện). Loại hình khám bệnh từ xa ở Mỹ gần đây đã được chắp thêm "cánh" với gói hỗ trợ khẩn cấp 8,3 tỉ USD mà Quốc hội đã chuẩn thuận, nhờ đó nhà chức trách nới lỏng các quy định trong việc điều trị từ xa của chương trình bảo hiểm y tế liên bang Medicare dành cho những người từ 65 tuổi trở lên - độ tuổi bị đe dọa nghiêm trọng nhất và lớn nhất trong mùa dịch.
Có thể nói rằng tình hình đại dịch đặc biệt như hiện nay - với đặc thù hạn chế tiếp xúc trực tiếp - chính là một cơ hội để ngành y tế ứng dụng sâu rộng hơn nền tảng khám bệnh từ xa. Nó có nhu cầu bức thiết và là một thành phần cấu thành của chuyển đổi số trong y tế.
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương khám bệnh qua mạng. Ảnh: NGỌC DUNG
Triển khai hàng loạt
Sáng 22-4, giải pháp Sàng lọc không tiếp xúc (eScreening) đã được Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học - Công nghệ bàn giao cho BV Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) đưa vào sử dụng. Giải pháp gồm những tính năng như: đa ngôn ngữ (6 ngôn ngữ), đo thân nhiệt, lưu trữ dữ liệu của người nhập liệu, truy xuất lịch sử đi lại và thông tin người nghi nhiễm hoặc nhiễm rất nhanh chóng; đồng thời giúp nhân viên y tế đưa ra hướng dẫn nhanh, chính xác, giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây nhiễm…
Từ trung tuần tháng 4, dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa của Vinmec được áp dụng tại BV Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City (TP Hà Nội) và BV Vinmec Central Park (TP HCM), bước đầu cung cấp cho khách hàng đã từng khám chữa bệnh tại Vinmec. Theo Vinmec, đây cũng là bước khởi động cho xu hướng mô hình chăm sóc sức khỏe từ xa (telehealth) của Vinmec. Bệnh viện Da liễu trung ương từ ngày 9-4 đã tổ chức khám, tư vấn trực tuyến với các chủ đề theo từng ngày. Các bác sĩ tương tác trực tiếp với bệnh nhân, đưa ra những tư vấn phù hợp với từng trường hợp thắc mắc gửi đến. Không chỉ có những bệnh lý mạn tính, mà những vấn đề da liễu thông thường hay sử dụng các loại thuốc như thế nào cũng được các bác sĩ giải đáp cho đến khi người bệnh cảm thấy hài lòng, giúp việc điều trị bệnh tại nhà dễ dàng hơn. BS Đặng Bích Diệp, Trưởng Phòng Công tác xã hội BV Da liễu trung ương, cho biết mục đích của các buổi tư vấn trực tiếp là hỗ trợ người bệnh tiếp cận và tương tác trực tiếp với các bác sĩ của BV, giải đáp một số thắc mắc và vấn đề người bệnh đang gặp phải một cách tối ưu. Theo BS Diệp, bệnh nhân sẽ hỏi - đáp trực tiếp trên fanpage của BV hoặc gọi điện đến tổng đài 19006951 để được tiếp nhận câu hỏi, thông tin, hình ảnh cụ thể. Bác sĩ sẽ trực tiếp trả lời qua hệ thống tổng đài hoặc trả lời ở dưới các bài viết đó như phần hỏi đáp. "Đến nay, qua 8 buổi tư vấn, chúng tôi tư vấn được khoảng 400 trường hợp. Bệnh nhân hoàn toàn không mất chi phí khi tham gia khám, tư vấn online trên fanpage" - BS Diệp nói.
BV Phổi trung ương gần 2 tuần nay đã bắt đầu triển khai khám bệnh online qua ứng dụng điện thoại di động, đáp ứng nhu cầu lớn khám chữa bệnh tất cả bệnh lý. Người dân chỉ cần tải app về điện thoại di động và nhập số điện thoại. Người bệnh cũng có thể chọn bác sĩ, dịch vụ, khung giờ để thuận lợi cho việc khám và tránh được việc quá tải, giúp người bệnh xác định được bệnh cảnh của mình có thể điều trị tại nhà hay cần phải đến cơ sở y tế. Theo PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi trung ương, việc khám bệnh trực tuyến sẽ khám, tư vấn, kê đơn giống như khám thông thường tại BV; BV chuẩn bị sẵn một đội ngũ chuyên gia thuộc từng lĩnh vực: khám thông thường, khám đa khoa, chuyên khoa.
PGS-TS Phạm Thị Bích Đào, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Đại học Y Hà Nội, cho hay gần 1 tuần qua, BV đã triển khai thăm khám trực tuyến bằng một số trang thiết bị y tế tự sử dụng hoặc sử dụng ứng dụng để cung cấp một số thông số cơ bản lên hệ thống kết nối công nghệ thông tin chuyển tải cho nhân viên y tế, để các chuyên gia đưa ra lời khuyên và giải pháp điều trị. Với những ca bệnh nặng, các bác sĩ ở BV tuyến cơ sở được hội chẩn với các chuyên gia tại trung tâm điều hành để có hướng điều trị. Hệ thống kết nối này giúp hỗ trợ người dân khám chữa bệnh từ xa, giảm nguy cơ lây mắc Covid-19; đồng thời thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Cứu sống bệnh nhân nguy kịch ở vùng sâu, vùng xa
PGS-TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế, cho biết cục vừa ra mắt app Covid-19 được phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có khả năng giải đáp tự động, liên tục theo thời gian thực (24/7) cho phép nhiều người dùng cùng lúc hỏi đáp về dịch bệnh. "Chúng tôi có 14 bác sĩ trực tư vấn các khung giờ 10-11, 16-17 và 20-21 giờ mỗi ngày, tư vấn cho người dân về bệnh đường hô hấp, hỗ trợ cung cấp thông tin bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe. Người dân tải app về và truy cập, liên lạc, tư vấn hoàn toàn không thu phí" - ông Tường nói. Ông Tường đánh giá với hệ thống telemedicine dựa trên công nghệ hội nghị truyền hình tích hợp các thiết bị y tế chuyên dùng trong khám chữa bệnh từ xa, nhiều bệnh nhân nguy kịch ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội được cứu sống kịp thời.
N.Dung
Bình luận (0)