Khi lưu thông trên một số tuyến đường tại TP HCM, TP Hà Nội, người điều khiển xe sẽ thấy những biển báo tuyến đường có giám sát, xử phạt bằng camera. Việc thông báo này là minh bạch và hợp thông lệ quốc tế. Kể từ ngày 10-3, TP HCM bắt đầu thí điểm việc dùng camera cố định xử phạt các lỗi vi phạm hành chính trong việc dừng, đỗ xe (phạt "nguội").
Thí điểm 14 tuyến đường
Có 14 tuyến đường được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM thí điểm áp dụng ghi hình xử phạt đầu tiên này, chủ yếu ở trung tâm thành phố (quận 1), cũng như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (đường Trường Sơn, quận Tân Bình) và khu vực ngã tư Hàng Xanh (đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh) vốn là các tuyến đường lâu nay thường xảy ra tình trạng ôtô dừng đỗ trái phép.
Đường Hai Bà Trưng - một trong những tuyến ở TP HCM đang triển khai hệ thống camera giám sát giao thông, ghi hình xử phạt hành chính đối với ôtô dừng, đỗ sai quy định Ảnh: Gia Minh
Theo quy trình, Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị TP HCM (vừa đổi tên từ Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn) sẽ là đầu mối ghi nhận, trích xuất video, hình ảnh các trường hợp vi phạm; sau đó chuyển qua Thanh tra Sở GTVT trong 3 ngày làm việc. Thanh tra Sở GTVT sẽ phân tích dữ liệu hình ảnh, xác minh các thông tin liên quan và lập hồ sơ vi phạm, in thông báo gửi chủ phương tiện đến giải quyết vụ việc (trong vòng 30 ngày). Theo đại diện Thanh tra Sở GTVT, nếu quá thời gian quy định, người được yêu cầu (tài xế hoặc chủ phương tiện/người đại diện) không chấp hành, Thanh tra Sở GTVT sẽ thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào diện cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính. Trung tâm này đang quản lý 762 camera lắp đặt trên các tuyến đường. Trong đó có khoảng 300 camera chuyên dụng đo vận tốc, lưu lượng xe; hơn 400 camera truyền hình ảnh về hệ thống để cơ quan chức năng và người dân theo dõi trực tuyến phục vụ điều tiết giao thông, tránh kẹt xe. Các camera này có độ phân giải cao, ghi rõ nét hình toàn cảnh khu vực xe dừng đỗ, biển số xe vi phạm. Trung tâm này cũng trích xuất video vào thời điểm trước và sau khi phương tiện dừng, đỗ không đúng nơi quy định. Các dữ liệu này bảo đảm các yếu tố về thời gian, không gian, đối tượng và hành vi vi phạm.
Ngoài ra, Thanh tra Sở GTVT sẽ phối hợp với Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM để tránh tình trạng xe vi phạm một lỗi mà bị xử phạt nhiều lần. Sở GTVT cho biết sẽ thông báo bằng văn bản tối thiểu trước 7 ngày khi có thay đổi, bổ sung các tuyến đường lắp đặt camera giám sát. Người dân có thể tra cứu thông tin phương tiện vi phạm bị ghi hình bằng camera trên Cổng Thông tin giao thông (TTGT) TP HCM (www.giaothong.hochiminhcity.gov.vn) hoặc có thể cài đặt ứng dụng di động "TTGT TP HCM" do FPT Technology Solutions thực hiện, có trên 2 nền tảng di động Android và iOS.
Liên quan đến việc bảo mật thông tin, theo Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị TP, đơn vị này có trách nhiệm lưu trữ, bảo quản an toàn trong môi trường thích hợp và chuyển đổi theo công nghệ phù hợp với tất cả hồ sơ, tài liệu, thông tin điện tử. Việc phối hợp, chia sẻ hay kết nối dữ liệu hệ thống camera giám sát, cơ sở dữ liệu liên quan sẽ chỉ thực hiện khi có yêu cầu từ các cơ quan thẩm quyền.
Mất 3 phút để nộp phạt
Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết từ ngày 12-3, thực hiện thí điểm việc nộp phạt ngay trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) tại 4 TP: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và tỉnh Bình Thuận; tới quý III sẽ triển khai phương thức này trên cả nước. Thông qua Cổng DVCQG, người dân có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến để nộp tiền phạt vi phạm giao thông qua ngân hàng điện tử thay vì phải trực tiếp đến các kho bạc, ngân hàng nộp tiền phạt như trước.
Đại diện Cục CSGT cho biết vừa phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Vietcombank, VietinBank kết nối thành công dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ lên Cổng DVCQG. Để nộp phạt, người vi phạm đăng nhập cổng, nhập số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ tên người vi phạm... sẽ tìm ra quyết định, số tiền bị xử phạt của mình và thực hiện các bước thanh toán qua ngân hàng/trung tâm thanh toán và nhận biên lai. CSGT căn cứ vào biên lai thu tiền phạt để trả giấy tờ cho người dân theo yêu cầu. "Quy trình thực hiện thông thường mất 10 phút, với người thông thạo chỉ 3 phút. Số biên bản xử phạt vi phạm hành chính ra từng ngày, không phải là số duy nhất nên người dân phải sử dụng 3 trường thông tin: số biên bản vi phạm; ngày, tháng, năm vi phạm và họ tên để tìm ra quyết định xử phạt" - lãnh đạo Cục CSGT cho biết. Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT, quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hành vi thì cơ quan chức năng có thể ra quyết định xử phạt ngay như: vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ…, nhưng cũng có hành vi cần phải xác minh thêm như giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp… Với hành vi có thể ra quyết định xử phạt ngay, sau ca công tác (4 giờ), tổ tuần tra kiểm soát bàn giao giấy tờ biên bản cho bộ phận trực tại nhà để ra quyết định xử phạt.
Ngoài ra, theo đại diện VNPT, người dân có thể thực hiện dịch vụ thanh toán tiền phạt và nhận kết quả tại nhà theo cách tạo tài khoản trên Cổng DVCQG. Sau khi thanh toán hoàn tất, cổng chuyển toàn bộ thông tin hồ sơ của người vi phạm sang hệ thống của bưu điện và nhân viên bưu điện sẽ đến cơ quan CSGT của các địa phương để nhận giấy tờ và chuyển trả cho người vi phạm.
Cần chế tài mạnh
Trong năm 2019, CSGT TP HCM đã xử lý hơn 60.000 trường hợp vi phạm giao thông qua hình ảnh, chủ yếu với các lỗi dừng đỗ xe sai quy định, vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ, đi ngược chiều, chạy vào giờ cấm - đường cấm. Tuy nhiên, chỉ có 15.000 trường hợp (chiếm 25%) đến nộp phạt. Nhiều chuyên gia cho rằng phải có biện pháp chế tài đủ mạnh để buộc chủ phương tiện, người vi phạm bị xử phạt qua hình ảnh tự giác đóng phạt. UBND TP HCM cho biết đã phối hợp với Bộ GTVT và Bộ Công an để trình Chính phủ thông qua một số quy định và chế tài mới nhằm xử lý những trường hợp vi phạm giao thông qua hình ảnh có hiệu quả và phù hợp với thực tiễn hơn.
Bình luận (0)