Tới chừng xảy ra sự cố, kiểm tra dữ liệu thì cái đầu hẻm không ghi hình được, cái cuối hẻm hình mờ chẳng nhận ra ai. Một trường hợp khác, do không đủ kinh phí, để nghiệm thu cho xong, người ta đã gắn một camera thật bên cạnh một camera… giả.
Điều này cho thấy việc gắn camera an ninh đã rất phổ biến ở các đô thị, cả nơi công cộng lẫn các cơ quan và ở nhà riêng, tuy nhiên, chẳng có chuẩn chung nào và chất lượng hệ thống camera cũng phập phù. Hiện camera gắn trên đường và các khu dân cư chỉ để điều tiết giao thông (cảnh báo kẹt xe), xử phạt vi phạm giao thông (phạt nguội) và giám sát an ninh trật tự. Vấn đề nằm ở chỗ các hệ thống camera này là của những đơn vị quản lý khác nhau và tất nhiên là không cùng chuẩn với nhau.
Tại TP HCM, trong đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2025" có bao gồm cả việc xây dựng hệ thống camera công cộng. Trong báo cáo hồi tháng 5, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết đến nay, Trung tâm Điều hành chỉ huy đô thị thông minh đã tích hợp được khoảng 1.000 camera từ các nguồn của sở, ngành. Đầu tháng 10 vừa qua, sở này đã trình UBND TP đề án "Xây dựng hệ thống giám sát (HTGS) hình ảnh camera tập trung giai đoạn 2019-2025" mà theo đó, toàn TP sẽ được "phủ sóng" hơn 10.000 camera với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.600 tỉ đồng.
Theo giải thích trên báo chí của ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP, hệ thống quan sát bằng hình ảnh trên địa bàn TP chia thành 3 nhóm chính theo mục đích và đơn vị quản lý: HTGS an ninh trật tự của Công an TP (hoạt động riêng); HTGS quản lý giao thông (do nhiều đơn vị, tổ chức đầu tư như Kênh VOV Giao thông); hệ thống camera ở các quận, huyện. Vấn đề nằm ở chỗ hiện chưa có chuẩn kỹ thuật chung, quy định pháp lý và quản lý, cũng như quy hoạch cụ thể cho việc triển khai các hệ thống camera công cộng này. Đó là lý do mà TP cần phải có một hệ thống camera công cộng có đủ khả năng phục vụ cho các nhu cầu quản lý và điều hành của chính quyền. Trong bối cảnh có thể gọi là "loạn camera" hiện nay, điều mà người dân quan tâm là nguy cơ lãng phí ngân sách (do chồng chéo, không tích hợp, không đạt chuẩn) và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân do chưa an tâm với những quy định về sử dụng nguồn dữ liệu từ hệ thống camera.
Không ai có thể phủ nhận được những lợi ích và nhu cầu về những hệ thống camera phục vụ công cộng. Nhưng chúng chỉ có lợi khi đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội tối ưu và bảo đảm an toàn cho người dân (giữ gìn an ninh trật tự và bảo mật hình ảnh cá nhân).
Vì thế, cần có các quy định pháp lý chặt chẽ về việc quản lý các hệ thống camera công cộng từ khâu lắp đặt thiết bị tới sử dụng dữ liệu, không thể mạnh ai nấy làm và tùy tiện truy xuất dữ liệu. Ngoài ra, cần bộ khung quy chuẩn để bảo đảm hoạt động đạt yêu cầu và tương thích để kết nối, tích hợp vào hệ thống chung.
Bình luận (0)