Sau 1 tháng TP Hà Nội triển khai thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản, bước đầu các chỉ số về độ dày bùn, mùi hôi tại sông Tô Lịch đã giảm đáng kể so với dự kiến.
Rẻ hơn hàng chục lần
Theo đánh giá của Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE), đơn vị phối hợp đoàn chuyên gia Nhật Bản thực hiện việc thí điểm, tại một số điểm đặt máy xử lý trên sông Tô Lịch, độ dày bùn giảm từ 15-20 cm. Cụ thể, đến ngày 31-5, tại điểm (B) cách cầu Hoàng Quốc Việt 50 m, độ dày bùn giảm từ 91,3 cm xuống còn 72 cm; tại điểm (C) cách cầu Hoàng Quốc Việt 110 m là 96,7 cm và 76 cm và tại điểm (D) cách cầu Hoàng Quốc Việt 210 m là 87,7 cm và 79 cm.
Người dân đang kỳ vọng vào sự hồi sinh của dòng sông Tô Lịch khi công nghệ mới của Nhật Bản được đưa vào thử nghiệm
Trên thực tế, theo một số người dân sống quanh khu vực sông Tô Lịch được đặt thử nghiệm công nghệ này, chỉ sau vài ngày thực hiện, mùi hôi đã giảm rõ rệt, nước đã bớt đen. Đại diện JVE khẳng định sau 2 tháng xử lý, khi lượng bùn giảm hẳn thì nước sông sẽ trong. Đánh giá hiệu quả kinh tế của công nghệ này, TS Tadashi Yamamura, chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về môi trường - Chủ tịch Tổ chức Carbon thấp Nhật Bản, cho biết: "Xây dựng một nhà máy xử lý nước thải tập trung, công suất 10.000 m3/ngày đêm cần khoảng 38,5 triệu USD và diện tích đất rất lớn. Đồng thời, phải xây dựng đường ống gom nước thải dài hàng chục kilômét, rất tốn kém. Dùng công nghệ Nano-Bioreactor như "nhà máy xử lý nước thải" đặt ngay dưới lòng sông, không tốn kinh phí xây dựng hạ tầng, chi phí đầu vào rẻ hơn hàng chục lần. Ngoài ra, công suất và tốc độ xử lý rất lớn, có thể đạt 1,3 triệu m3/ngày đêm, gấp 9 lần lượng nước thải sinh hoạt đổ vào sông Tô Lịch mỗi ngày (150.000 m3/ ngày đêm).
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE, cho biết thêm quá trình vận hành nhà máy xử lý nước thải sẽ tốn một khoản ngân sách lớn tính theo mét khối nước được xử lý. Trong khi, máy xử lý nước công nghệ Nano-Bioreactor chỉ cần chạy 6 giờ mỗi ngày, mức tiêu thụ điện năng thấp, chu kỳ sử dụng hơn 25 năm.
Cần giải pháp đồng bộ
Theo TS Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, công nghệ Nano-Bioreactor đã ứng dụng thành công ở Nhật Bản và một số nước. Kết quả thí điểm ở Việt Nam vừa qua làm giảm mùi hôi và bùn hữu cơ là thành công bước đầu. Tuy nhiên, đây không phải là công nghệ thần kỳ, giải quyết hết mọi vấn đề của sông Tô Lịch. "Chất thải ra sông Tô Lịch còn chứa kim loại nặng, chất rắn khó phân hủy mà công nghệ này chưa thể xử lý hết. Vì vậy, có thể áp dụng đồng thời việc tách nước thải để xử lý và công nghệ Nhật Bản nhưng cần tính toán kỹ lưỡng về hiệu quả đầu tư" - TS Khải nói.
Mở rộng vấn đề về xử lý chất thải rắn (rác thải), PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho rằng nhiều nước coi rác thải là một nguồn tài nguyên để tái chế sử dụng và họ đang làm rất tốt vấn đề xử lý rác thải bằng những công nghệ mới. Việt Nam phần lớn vẫn làm theo cách truyền thống là đem chôn lấp hoặc đốt, điều này đang gây ra nhiều hệ lụy, bộc lộ những hạn chế như: lãng phí tài nguyên đất, rác; ảnh hưởng đến môi trường nước, nước ngầm, đất và không khí… Việt Nam cũng đã thử nghiệm nhiều nhà máy xử lý rác để tái chế thành phân bón nhưng cũng chưa hiệu quả.
Phân tích thêm về vấn đề này, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC), Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nhìn nhận ở Việt Nam việc phân loại rác chưa tốt, cứ để lẫn các loại rác để tái chế thành điện, phân bón dẫn đến chất lượng kém nên người dân không sử dụng. Vì vậy, cần nâng cao ý thức người dân về việc xử lý rác thải, phân loại rác tại nguồn để phát huy hiệu quả công nghệ tiên tiến. Cần có biện pháp đồng bộ hơn trong vấn đề xử lý nước thải, rác thải.
Làm sạch sông Mê Kông bằng tàu gom rác
Đầu tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) đã bàn giao 2 tàu gom rác chạy bằng năng lượng mặt trời, trị giá khoảng 2,5 tỉ đồng cho tỉnh Vĩnh Long. Hai tàu này được sử dụng trong chiến dịch "Làm sạch sông Mê Kông" trên địa bàn tỉnh này. Vĩnh Long là địa phương thí điểm đầu tiên và nếu thành công, Tập đoàn Hanwha sẽ mở rộng chiến dịch này ở nhiều địa phương khác. Theo đại diện Tập đoàn Hanwha, sông Mê Kông là một trong 10 con sông ô nhiễm nhất thế giới do tình trạng vứt rác và xả nước thải bừa bãi. Hiện rác thải đang được thu gom thủ công bằng những thuyền chạy dầu diesel, sẽ tiếp tục gây ô nhiễm thông qua rò rỉ và khí thải carbon.
C.Linh
Bình luận (0)