Từ vài tuần nay, đặc biệt là trong thời gian Quốc hội họp Kỳ họp thứ 3 Khóa XV, cư dân mạng đã nóng lên về chuyện giá.
Cụ thể là giá xăng liên tục nhiều kỳ tăng vọt tới mức kỷ lục và giá sách giáo khoa (SGK) chương trình giáo dục phổ thông mới cộng với học phí tăng cho năm học mới 2022-2023. Vì vậy, nỗi trăn trở cũng như kỳ vọng của cư dân mạng, người dân và cử tri gởi tới các đại biểu Quốc hội, mong muốn vấn đề này được đặt lên bàn nghị sự để Nhà nước sớm có biện pháp kiểm soát giá xăng, SGK ổn định.
Giá xăng tăng khiến người tiêu dùng thấp thỏm gánh nặng chi phí sinh hoạt tăng cao. Ảnh: Tấn Thạnh
Giá xăng tăng ắt kéo theo giá các loại sản phẩm và dịch vụ phải tăng theo. Vì vậy, kiểm soát giá xăng cũng có nghĩa là ổn định được thị trường và xã hội. Sau lần điều chỉnh giá gần đây nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính vào chiều 13-6, giá xăng bán lẻ trong nước lập kỷ lục mới: xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng một lít; RON 95-III vượt 32.000 đồng, lên mức 32.370 đồng một lít.
Giá xăng này là mức cao nhất từ trước đến nay. Đây là lần tăng giá thứ sáu liên tiếp từ ngày 21-4 đến nay.
Tổng cộng, xăng RON 95-III đã tăng thêm 5.060 đồng mỗi lít, còn E5 RON 92 thêm 4.640 đồng. Trong năm 2022, giá xăng dầu liên tục tăng và có mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7-2014.
Tất nhiên, giá xăng dầu ở Việt Nam phụ thuộc vào giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Giá xăng dầu thế giới không ngừng tăng sau khi xảy ra chiến sự giữa Nga và Ukraina từ hạ tuần tháng 2. Theo báo Công Thương của Bộ Công Thương, những nỗ lực điều hành giá xăng dầu của Việt Nam trong thời gian qua đã giúp giá xăng dầu trong nước chỉ tăng trong khoảng 26% - 43%, trong khi thế giới tăng từ 55% - 57%.
Người dân hiểu rằng khi cả thế giới tăng giá xăng dầu, Việt Nam cũng không thể không tăng giá theo. Tuy nhiên, họ hy vọng Nhà nước sớm có những giải pháp hữu hiệu để giữ giá xăng dầu chỉ tăng ở mức phù hợp với khả năng chi tiêu của đa số người dân. Mặt khác, Việt Nam lại là nước có nguồn dầu mỏ đang được khai thác.
Giá xăng không chỉ tác động trực tiếp tới người dân (Việt Nam là thị trường tiêu thụ xe máy lớn thứ 4 của thế giới, riêng trong năm 2021, đã có 2,5 triệu xe bán ra thị trường; và tổng số lượng ô tô đang lưu hành tính tới tháng 11-2021, là hơn 4,5 triệu chiếc), mà còn gây ảnh hưởng gián tiếp từ giá cước đi lại, giá cước vận chuyển hàng hóa…
Ở lĩnh vực giáo dục, cuối tháng 4, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá SGK mới lớp 3, 7 và 10 ở hai bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo", áp dụng từ năm học 2022-2023, với mức tăng "khủng" tới gấp 2, 3 lần giá sách cũ. Về việc này, Bộ Giáo dục - Đào tạo giải thích giá SGK mới tăng do khổ lớn hơn, in ấn chất lượng cao hơn (!?).
Ai cũng hiểu rằng vào mỗi đầu năm học mới, đa số phụ huynh có thu nhập từ trung bình trở xuống chịu áp lực rất lớn từ các khoản chi phí học tập cho con em mình, từ SGK, học phí, các khoản thu đầu năm học). Trước đây, với mức giá cũ, SGK vẫn luôn gây lo âu cho nhiều phụ huynh. Năm học mới này, giá SGK lại tăng "khủng".
Có sách đẹp để học học sinh nào cũng thích. Thế nhưng vấn đề đặt ra là ở giai đoạn khó khăn sau đại dịch Covid-19, liệu có cần thiết phải "đẹp"? Phụ huynh hy vọng khi Chính phủ vào cuộc thanh tra toàn diện về quá trình soạn và phát hành SGK ở Bộ Giáo dục - Đào tạo trong bao năm nay đầy những điều tiếng, nhiều vấn đề sẽ được làm rõ. Có một nghịch lý, trong khi Nhà nước đầu tư rất nhiều ngân sách cho việc soạn thảo, các bộ SGK cứ luôn thay đổi liên tục, chất lượng và giá bán gây nhiều bức xúc cho phụ huynh. Thực trạng này khiến nhiều người nghĩ rằng đến bóng dáng kinh doanh trong lĩnh vực mang tính cộng đồng cao này?
Bình luận (0)