Trong xu thế của thời di động, các dịch vụ lao động như "tìm thợ", "tìm việc", "tuyển dụng" phát triển mạnh trên nền ứng dụng di động và các mạng xã hội. Tuy nhiên, các ứng dụng này dựa trên nền tảng công nghệ hóa các dịch vụ lao động, vì vậy chúng tiềm ẩn những mặt trái và nguy cơ bất trắc càng cao hơn phương thức tuyển dụng truyền thống.
Như nấm sau mưa
Website của Trường Andrews University trích dẫn bản báo cáo Digital Marketing Việt Nam 2019 cho biết tính tới đầu năm 2019, có 58 triệu người dùng mạng xã hội trên thiết bị di động (tăng 8 triệu người dùng so với năm 2018). Số liệu này cho thấy internet và di động đang là 2 nền tảng thông tin liên lạc có sức chi phối sâu rộng trong xã hội. Từ đó, các loại ứng dụng đã ra đời như nấm sau mưa, trong đó có các dịch vụ liên quan tới kết nối người lao động (thợ) với người sở hữu lao động.
Không ai phủ nhận những lợi ích, tính tiện dụng và sự hiệu quả mà các ứng dụng tuyển dụng lao động đem lại cho người sử dụng lao động lẫn người lao động. Thay vì phải cất công trực tiếp tới các trung tâm giới thiệu việc làm hay cung ứng nguồn nhân lực, người cần thợ lẫn người cần việc đều có thể tìm kiếm và kết nối với nhau qua trung gian là các ứng dụng. Việc tìm người làm hay tìm việc đúng nhu cầu trở nên dễ dàng hơn. Gần đây, với thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI), các ứng dụng có thể sàng lọc trong vô số ứng viên để chọn ra những người thỏa các tiêu chí mà người tuyển dụng đặt ra. Bước sàng lọc ban đầu này sẽ giúp cho hai bên đỡ mất thời gian.
Các dịch vụ cung ứng lao động xuất hiện ngày càng nhiều trên các ứng dụng di động. Ảnh: Tấn Thạnh
Phổ biến nhất vẫn là ứng dụng kết nối môi giới đơn giản, tuy nhiên ngày càng xuất hiện những dịch vụ trên nền công nghệ cao. Mới đây, một start-up (khởi nghiệp) đã cho ra mắt ứng dụng Thế giới thợ - Gọi thợ có ngay, kết nối giữa những người thợ có tay nghề đang hành nghề tự do với những người đang cần thợ. Nó vừa cung cấp nhân lực lao động cho các hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp, tổ chức. Đây không phải là một ứng dụng OTT (dữ liệu được cung cấp trên internet mà không nhà mạng hay bất kỳ tổ chức nào có thể can thiệp) bình thường mà là một dạng nền tảng trong nền kinh tế chia sẻ như những ứng dụng gọi xe công nghệ dựa trên bản chất hoạt động kết nối giữa cung và cầu. Những ứng dụng kết nối thợ và người cần thợ đem lại nhiều tiện ích cho cả 2 bên dù họ chấp nhận trả một khoản phí cho nhà cung cấp ứng dụng nhưng sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Cần cơ chế để quản lý
Tuy nhiên, loại hình ứng dụng OTT vốn đã ẩn chứa nguy cơ "vô chính phủ", các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) và các nhà mạng viễn thông sẽ không chịu trách nhiệm về chúng. Do tính nặc danh của internet và đặc thù của ứng dụng OTT nên cả hai bên - người thợ hay người lao động và người tuyển dụng đều có nguy cơ bị lừa gạt.
Theo anh Lê Hoài Tấn Phúc (quê Nghệ An), tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin, đầu năm 2019, anh đăng ký hồ sơ tìm việc trên một trang dịch vụ tuyển dụng trực tuyến, sau đó anh được giới thiệu đến ứng tuyển tại một công ty chuyên thiết kế game của Singapore. Anh Phúc phải đóng phí môi giới 1,8 triệu đồng nhưng khi đến phỏng vấn thì công ty đưa ra rất nhiều điều kiện khắt khe khiến anh không thể trúng tuyển và mất tiền.
Nhiều ý kiến trên mạng bày tỏ sự lo ngại về an ninh, ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, cho biết: "Có nhiều công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến được cấp phép và đa số thực hiện đúng cam kết trong dịch vụ của mình. Tuy nhiên, nhiều đơn vị nhỏ vì lợi ích ngắn hạn nên đã không tuân thủ pháp luật, có dấu hiệu lừa đảo hoặc không thực hiện đầy đủ cam kết chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp. Vì thế người lao động nên cân nhắc, tìm hiểu cụ thể, rõ ràng những dịch vụ... để tránh bị lừa".
Có nhiều ý kiến trên mạng bày tỏ sự lo ngại về an ninh đối với các ứng dụng gọi thợ. Bởi lẽ, các thợ này phải vào trong nhà hay công ty, văn phòng của người có nhu cầu gọi thợ. Ai sẽ bảo đảm đó là những người thợ tốt và an toàn? Đó là lý do mà các dịch vụ tuyển dụng lao động cần phải có quy trình kiểm tra lý lịch, nhân thân của các đối tác lao động tham gia hệ thống, cũng như quy trình kiểm tra và theo dõi chặt chẽ các thợ khi làm việc. Giới chuyên gia cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải có các quy định để quản lý những dịch vụ lao động trên nền ứng dụng giống như họ quản lý các cơ sở lao động truyền thống. Điều này giúp giảm thiểu những nguy cơ, tiêu cực và đem lại lợi ích cho cả người thợ lẫn người gọi thợ. Tất nhiên, do các dịch vụ này hoạt động trên nền ứng dụng, cách quản lý cũng phải khác và mang tính công nghệ. Ngay các nhà cung cấp dịch vụ lao động chân chính trên nền công nghệ cũng muốn có những cơ chế để xác thực tính đáng tin cậy của mình đối với người dùng. Việc xuất hiện nhiều ứng dụng có liên quan tới dịch vụ lao động nảy sinh nhiều nguy cơ bất trắc. Vấn đề là làm sao để chúng hoạt động đúng đắn, thật sự đem lại lợi ích cho cộng đồng xã hội.
Lừa đảo có thể lãnh 7 năm tù
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM), điều 14 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ việc làm (DVVL) được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật và phải có giấy phép hoạt động (GPHĐ) DVVL do cơ quan có thẩm quyền cấp. Theo đó, điều 7 Nghị định 52/2014/NĐ-CP quy định rõ DN muốn cấp GPHĐ DVVL phải đáp ứng đủ 3 điều kiện: Có trụ sở ổn định và có thời hạn từ 3 năm trở lên; có bộ máy chuyên trách để thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm; đã thực hiện ký quỹ là 300.000.000 đồng tại ngân hàng thương mại nơi DN mở tài khoản giao dịch chính. Do vậy, DN trong lĩnh vực này bắt buộc phải có GPHĐ. Điều này đồng nghĩa với việc khi các tổ chức chưa được cấp GPHĐ DVVL nhưng có hoạt động DVVL thì đây là hành vi vi phạm theo điều 4 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, bị phạt tiền từ 45-60 triệu đồng.
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả mà hành vi này gây ra cho người xin việc, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù.
Ph.Dũng ghi
Bình luận (0)