Thời gian qua, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, từng bước tiến tới đạt quy mô thị trường 29 tỉ USD theo dự báo vào năm 2025. Điều này càng khẳng định tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp (DN) nội địa trong khu vực Đông Nam Á và kích cỡ của thị trường TMĐT Việt Nam. Theo dự báo của Google, TMĐT Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt mức tăng trưởng 34%, cao nhất khu vực.
Thay đổi bản đồ TMĐT khu vực
Cổng thông tin TMĐT iPrice thuộc iPrice Group (Malaysia) phối hợp SimilarWeb, AppsFlyer mới đây đã công bố báo cáo tác động của đại dịch Covid-19 lên hoạt động TMĐT Việt Nam năm 2020. Trong bảng tổng kết lượng truy cập website trung bình của các sàn TMĐT Đông Nam Á năm 2020, 5 doanh nghiệp nội địa Việt Nam là Thế Giới Di Động, Tiki, Điện Máy Xanh, Sendo và FPT Shop góp mặt trong bảng xếp hạng Top 10 khu vực. Năm DN còn lại là 2 sàn quốc tế Shopee, Lazada và 3 start-up "kỳ lân" Tokopedia, Bukalapak và Blibli của Indonesia.
Thế Giới Di Động giữ hạng 5 trong số các website TMĐT Đông Nam Á với lượt truy cập trung bình năm là 28,6 triệu, cách Bukalapak (hạng 4) 7 triệu lượt truy cập. Tính riêng thị trường trong nước, Thế Giới Di Động là DN nội địa đứng thứ hai trong suốt cả năm 2020. Nằm ở vị trí thứ 6, Tiki vượt qua Blibli với 22,5 triệu lượt truy cập. Với 14,7 triệu lượt truy cập, Điện Máy Xanh xếp thứ 8. Sendo với 14,3 triệu lượt truy cập, thứ 9 và FPT Shop thứ 10 với 7,2 triệu lượt truy cập. Đây là một sự phát triển đáng nói. Ở báo cáo quý II/2019 của iPrice, tất cả DN TMĐT Việt Nam đều nằm ở tốp dưới của các website TMĐT Đông Nam Á và cán cân này đã thay đổi rõ rệt trong báo cáo năm 2020. Đồng thời, bản đồ TMĐT Đông Nam Á do iPrice và các đối tác thực hiện cho thấy rằng Việt Nam là thị trường lớn thứ hai chỉ sau Indonesia. Tổng lượt truy cập website trung bình năm 2020 của Việt Nam nhiều gấp 4 lần so với Malaysia, 3 lần với Philippines và 2 lần với Thái Lan.
Nhân viên kênh mua sắm tại nhà trên truyền hình VGS Shop xử lý đơn hàng của người dùng Ảnh: Hoàng Triều
Phân tích dữ liệu để cung cấp sản phẩm yêu thích
Trong năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, các DN TMĐT hoạt động tại Việt Nam đã nhanh nhạy biến "nguy thành cơ" để phát triển nhanh chóng, đổi mới để đón đầu xu hướng mua sắm online. Các sàn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều tập trung tạo ra những giá trị bổ sung trên nền tảng, ứng dụng hướng đến để thu hút và giữ chân khách hàng. Năm 2021, DN TMĐT Việt Nam phải đương đầu với nhiều thách thức, cạnh tranh lẫn nhau gay gắt hơn, thậm chí với các "ông lớn" quốc tế. Mặt khác, các sàn TMĐT còn bị chia mất một phần thị trường cho những "tiểu thương số" là những người bán hàng online trên các mạng xã hội, trên các trang internet.
Theo báo cáo Digital 2021 Vietnam do We Are Social và Hootsuite công bố hồi tháng 2, Việt Nam có 72 triệu người dùng các mạng xã hội đang hoạt động (chiếm 73,7% số dân). Đó là lý do mà các chuyên gia nhấn mạnh DN bán hàng các loại hình ở Việt Nam cần nâng cao kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh, marketing để phát triển chuyên sâu mô hình và phương thức kinh doanh online. Với đặc thù của loại hình kinh doanh trên internet, các DN TMĐT phải ứng dụng công nghệ và liên tục nâng cấp để không chỉ duy trì hoạt động mà còn tăng sức hấp dẫn người dùng online. Theo đó, phải ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ở các cấp độ cao như máy học, dữ liệu lớn… để xử lý hoạt động hằng ngày, các tệp khách hàng và đối tác ngày càng lớn. Chẳng hạn, các sàn TMĐT quốc tế gần đây đã vận dụng một hình thức bán hàng vốn phổ biến trên các mạng xã hội là Livestream. Người bán sẽ xuất hiện trên video live để giới thiệu mặt hàng, chào bán và tương tác với khách hàng. Các sàn TMĐT nhúng công nghệ Live vào nền tảng của mình cho các cửa hàng sử dụng vừa sinh động cho sàn, vừa tăng sức thu hút người dùng; chẳng hạn, người dùng có thể nhìn thấy sản phẩm từ nhiều góc độ và tương tác với người bán.
Việc ứng dụng AI để tăng hiệu năng quản lý khách hàng rất quan trọng. Sàn TMĐT có thể phân tích dữ liệu để tìm ra những sản phẩm đang được nhiều người quan tâm, hiểu được sở thích mua hàng của khách hàng từ từng cá nhân tới cả khu vực, các nhóm. Trước nay, công việc này chỉ có thể tiến hành thủ công bằng các đội ngũ người thăm dò tỏa đi khắp nơi để tiếp xúc với khách hàng, vừa tốn kém vừa mất nhiều thời gian. Các khâu sống còn với hoạt động TMĐT như đặt hàng, vận chuyển hàng, thanh toán, tiếp nhận phản hồi của khách hàng… chỉ có thể tăng hiệu quả nhờ ứng dụng các công nghệ để chính xác, tỉ lệ đơn hàng thành công cao hơn và nhất là người mua cảm thấy thoải mái, hài lòng.
Tất nhiên, các nỗ lực ứng dụng công nghệ của DN TMĐT là ở hậu trường, còn tất cả được hiển thị trên sân khấu là giao diện cửa hàng trực quan với khách hàng. Đặc biệt với thực tế là tới 95% người dùng internet Việt Nam vào mạng bằng thiết bị di động, DN TMĐT cần xây dựng các ứng dụng di động. Chính chất lượng của các ứng dụng di động quyết định sự sống còn và thành công cho DN TMĐT.
Cung cấp tính năng tìm kiếm bằng giọng nói, hình ảnh
Theo Lazada, năm 2021, sàn này liên tục đẩy mạnh tiềm lực công nghệ với nhiều bổ sung các giá trị ứng dụng để thu hút khách hàng. Cụ thể là việc tối ưu hóa công nghệ AI vào chức năng tìm kiếm bằng giọng nói (Voice-search) và hình ảnh (Image-search) trên ứng dụng để người dùng tìm kiếm nhanh sản phẩm. Đầu tư nâng cấp công nghệ thuật toán thông minh, gợi ý sản phẩm phù hợp với mức giá đúng với nhu cầu, cải tiến phương thức giao hàng trong ngày với chi phí thấp. Sàn Shopee nâng cấp hình thức thanh toán kỹ thuật số đa dạng, dịch vụ hậu cần... để bảo đảm hàng hóa được giao nhanh với chi phí tiết kiệm. Shopee hỗ trợ DN bán hàng theo dõi toàn bộ quá trình từ kiểm duyệt đến giao hàng.
H.Dương
Bình luận (0)