Theo các chuyên gia và ngân hàng (NH), quá trình chuyển đổi thẻ ATM công nghệ từ sang thẻ chip theo chuẩn quốc tế EMV là bước tiếp theo trong lộ trình hướng đến số hóa. Thẻ chip tạo nền tảng quan trọng để tích hợp, ứng dụng cho các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong y tế, giáo dục, giao thông, bảo hiểm và các dịch vụ công.
Đẩy mạnh thanh toán điện tử
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), phân tích dòng thẻ chip nội địa tích hợp công nghệ không tiếp xúc (contactless) giúp việc thanh toán nhanh và tiện lợi hơn. Công nghệ chip cho phép thông tin được lưu trữ nhiều hơn trên thẻ, sẽ là cơ sở để NH triển khai dịch vụ đa tiện ích, kết nối dữ liệu khác ngoài thông tin thẻ như: thẻ học đường, thẻ bệnh viện, thẻ cư dân, các loại thẻ phục vụ cho dịch vụ thanh toán công… Từ đó, NH có thể mở rộng phân khúc khách hàng, cung cấp nhiều dịch vụ trọn gói hơn cho chủ thẻ, gia tăng các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
"Thanh toán là một lĩnh vực rất nhạy với công nghệ và phải liên tục thay đổi. Dù tốn kém chi phí nhưng đầu tư về công nghệ giúp tạo thêm cơ hội kinh doanh, tăng doanh thu và tiết giảm các chi phí vận hành thủ công" - ông Nguyễn Minh Tâm nói. Xu hướng số hóa dịch vụ NH, lấy khách hàng làm trung tâm đang dần trở nên phổ biến và hành vi người tiêu dùng có sự thay đổi mạnh mẽ từ tương tác giới hạn trong môi trường gặp mặt trực tiếp nhân viên NH sang giao dịch trực tuyến, tiếp cận và sử dụng dịch vụ NH liên tục, mọi lúc, mọi nơi trên nhiều loại thiết bị di động.
Khách hàng thanh toán điện tử khi mua cà phê tại một cửa hàng Passio ở TP HCMẢnh: Hoàng Triều
Theo Phó Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Kim Anh, bối cảnh mới này đòi hỏi các NH, tổ chức trung gian thanh toán phải đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ 4.0 nhằm cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ NH mới. Đồng thời, đẩy mạnh khai thác, phân tích dữ liệu thông minh để hiểu khách hàng. Hiện nhiều NH, tổ chức trung gian thanh toán tại Việt Nam đã ứng dụng giải pháp, công nghệ tiên tiến tăng tốc độ thanh toán, tăng an toàn, bảo mật cho sản phẩm, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng như: xác thực sinh trắc học vân tay, khuôn mặt...; thanh toán qua QR Code; thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment)...
Một số NH đã bắt đầu quá trình chuyển đổi số, cung ứng dịch vụ NH đổi mới, sáng tạo. Hiện phần lớn NH trong nước đã triển khai NH số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp. Chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số NH tiên phong. Chẳng hạn, TPBank với dịch vụ NH tự động LiveBank; Vietcombank với không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab và dự án chuyển đổi số quy mô lớn do PwC tư vấn; VietinBank với CoreBank (NH lõi) thế hệ mới, hiệu suất cao, tích hợp đa dịch vụ và kho dữ liệu doanh nghiệp hiện đại. Trong khi đó, VPBank ứng dụng NH số Timo, MB Bank ứng dụng trợ lý ảo Chatbox phục vụ khách hàng 24/7 trên mạng xã hội…
Đại diện NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết xu hướng công nghệ 4.0, phân tích dữ liệu là trung tâm của phát triển kinh doanh NH để tìm kiếm nhiều nguồn tri thức mới từ việc phân tích và khai phá dữ liệu lịch sử. VietinBank đã triển khai dự án kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) tích hợp các hệ thống nguồn, phục vụ hầu hết bộ phận chức năng tại NH.
Bắt tay với fintech nghiên cứu sản phẩm mới
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NH Nhà nước, nhìn nhận tiềm năng phát triển NH số tại Việt Nam là rất lớn với khoảng 55% dân số dùng điện thoại thông minh, dân số trẻ chiếm tỉ lệ cao. Nền tảng cho phát triển NH số là khả quan khi cả nước đang có khoảng 18.500 máy ATM, 270.000 máy POS, 76 NH thương mại triển khai Internet Banking, 41 NH áp dụng Mobile Banking và 16 NH đã triển khai thanh toán QR Code tại 30.000 điểm chấp nhận quét mã QR trên toàn quốc.
Đáng lưu ý, sự xuất hiện của nhiều công ty công nghệ tài chính (fintech) cũng tạo nên những đột phá trong cung cấp dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Lợi thế về sự linh hoạt trong cung ứng giải pháp dịch vụ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng buộc các NH phải tham gia vào cuộc đua số hóa. Nếu vài năm trước, bài toán cạnh tranh giữa NH thương mại và fintech được nhắc đến nhiều thì nay các NH đã hợp tác với fintech để cung cấp những sản phẩm dịch vụ tài chính mới cho khách hàng. Thậm chí, một số NH đã, đang thành lập các fintech lab để tạo không gian cho NH và các công ty công nghệ trao đổi những ý tưởng, định hướng… từ đó, tìm ra giải pháp thử nghiệm trước khi đưa ra sản phẩm hoàn chỉnh.
"Chúng tôi đang phối hợp với 7 công ty công nghệ trong các lĩnh vực khác nhau nhằm đưa ra các sản phẩm mang yếu tố công nghệ và tài chính NH để phục vụ khách hàng. Trong 3-6 tháng tới kỳ vọng sẽ ra mắt thị trường ít nhất 4-5 sản phẩm là sự kết hợp giữa fintech và ngân hàng" - đại diện VietinBank thông tin.
Thách thức chuyển đổi
Có 94% các NH tại Việt Nam đã và đang bắt đầu đầu tư vào việc số hóa nhưng chỉ có khoảng 20% khách hàng thường xuyên giao dịch trên kênh NH điện tử.
Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Khối Dịch vụ Tài chính, Ernst & Young Việt Nam, sự bùng nổ của mô hình NH số mang lại nhiều cơ hội mới nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi như: Chi phí đầu tư cho đổi mới công nghệ và bảo mật là rất lớn, cạnh tranh khốc liệt giữa các NH trong cuộc đua công nghệ, sự xuất hiện của những fintech với bộ máy tinh gọn, phát triển nền tảng số hoàn thiện hay chính sách mới chưa hoàn thiện, đặc biệt liên quan đến nhận diện khách hàng bằng phương thức điện tử, đám mây...
Bình luận (0)