Trong ngôi nhà nhỏ tại một con hẻm quận 6 (TP HCM), anh Trung Dũng, 34 tuổi, đang phục chế chiếc Nokia 9000 Communicator - một trong những điện thoại đầu tiên và góp phần mang lại thành công lớn cho Nokia. Bên cạnh đống linh kiện ngổn ngang, có một góc gọn gàng trưng bày nhiều mẫu điện thoại sản xuất từ những năm 2000 của Nokia, Motorola, Siemens... cũng như những thiết bị sang trọng từ Vertu, Mobiado.
Anh Dũng và một phần bộ sưu tập điện thoại cổ của mình.
Anh Dũng "bén duyên" với điện thoại cổ từ năm 2003, khi mới 17 tuổi. "Khi vào học lớp 10, tôi được một người cậu tặng cho chiếc máy nhắn tin hiệu Motorola. Sau đó, tôi cũng được ba nuôi tặng một chiếc Siemens SL45i. Với hai chiếc máy này, tôi bắt đầu mày mò và yêu thích điện thoại lúc nào không hay. Nó có một sức hút mãnh liệt, buộc tôi phải khám phá", anh Dũng cho hay.
Chính vì yêu thích điện thoại, sau khi học xong phổ thông, anh nộp đơn thi vào một trường Cao đẳng tại quận 1, chuyên ngành sửa chữa điện tử, mặc cho gia đình phản đối. Khi bắt tay vào học và thực hành sửa chữa, anh mới nhận ra rằng ngoài việc sưu tầm thiết bị, anh còn phải biết "hồi sinh" nếu như chúng "giở chứng". "Cảm giác căng mắt với những con chip, linh kiện tí hon hàng giờ đồng hồ, rồi vỡ òa khi nhấn nút khởi động, màn hình vụt sáng thật là hạnh phúc", anh Dũng kể.
Một góc sửa điện thoại của anh Dũng. |
Khâu khó khăn nhất trong việc phục chế điện thoại là tìm linh kiện cho điện thoại cổ do nhiều mẫu đã ngừng sản xuất rất lâu. Anh thường lang thang ở những khu chợ và các con đường bán đồ cũ tại TP HCM, như Nhật Tảo, Lý Nam Đế, Hùng Vương, Âu Cơ, Nguyễn Kiệm... và sau này là trong các hội nhóm bán "xác điện thoại" trên mạng các hội. |
Thời gian đầu khi mới "lang thang" ở các khu chợ, anh Dũng hay bị lừa mua phải linh kiệm dởm. "Khoảng năm 2004, ở chợ Nhật Tảo, tôi gặp một anh xe ôm lại chào bán hai chiếc Nokia 8210 màu đỏ, nói là hết pin. Khi đó, tôi là sinh viên chưa có nhiều tiền nên ông ta gợi ý đổi chiếc nhẫn tôi đang đeo trên tay. Khi về nhà tháo ra thì mới biết bên trong máy linh kiện đã hỏng hết", anh Dũng kể. Sau này, khi đã tích lũy được kha khá kinh nghiệm anh có thể phân biệt được gần như chính xác điện thoại cũ còn nguyên vẹn hay đã bị sửa chữa.
Anh Dũng có một nguyên tắc là không phải điện thoại nào cũng sửa mà chỉ làm những phiên bản hiếm hoặc cực kỳ hiếm. "Tôi chỉ sửa các thiết bị mình yêu thích hoặc có anh em nhờ. Tôi không dùng việc sửa chữa để kiếm tiền", dân chơi này tiết lộ. "Toàn bộ linh kiện tôi chọn đều nguyên bản để đảm bảo tính toàn vẹn của thiết bị sưu tầm".
Thanh Phương, một dân chơi điện thoại cổ ở quận 10 (TP HCM), cho rằng hiếm có người nào mê sửa chữa điện thoại như Dũng. Anh Phương kể, "nhiều bạn bè là dân chơi đã tìm đến Dũng như 'phao cứu sinh' cuối cùng nếu chẳng may một thiết bị trong bộ sưu tập gặp sự cố".
Hai mẫu Vertu phiên bản thử nghiệm (prototype) của anh Dũng. |
Hiện bên cạnh sửa chữa, anh Dũng còn có nhiều bộ sưu tập điện thoại hiếm, chẳng hạn bộ ba Nokia 7700 , các mẫu Vertu thử nghiệm cũng như nhiều điện thoại Motorola, Nokia, Siemens... còn nguyên hộp và phụ kiện. |
Bình luận (0)