Thật ra, không thể cấm tiệt các thông tin mang tính quảng cáo, thương mại của các tổ chức kinh doanh hợp pháp và thực tế người dân cũng có khi cần biết những thông tin chào hàng đó. Vấn đề là hoạt động thông tin thương mại như vậy phải được kiểm soát, không bị lạm dụng để trở thành xả RĐT. Người gửi thông tin phải tuân thủ các quy định và người nhận phải được bảo đảm quyền từ chối nhận các thông tin thương mại. Đây cũng chính là quyền lựa chọn của người dùng, vì có người cần biết các thông tin về bất động sản nhưng lại không muốn nhận các thông tin chào hàng khác.
Chỉ có điều trước nay, vấn nạn RĐT vẫn không thể giải quyết triệt để. Chủ yếu là do 2 yếu tố: chưa có quy luật rõ, mạnh và các nhà mạng vì lợi ích cục bộ mà không quyết liệt ngăn chặn. Vì thế, người ta kỳ vọng nhiều vào Nghị đinh 91/2020/NĐ-CP về "Chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác" vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Điều cần nhấn mạnh trước tiên là nghị định này đã đưa ra được định nghĩa mới, chính xác hơn về các loại RĐT và trên cơ sở định danh được chúng mà việc xử lý chặt chẽ và hợp tình, hợp lý hơn. Trước đây, RĐT được định nghĩa là các loại tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi mà người nhận không hề muốn nhận chúng. Quả là một định nghĩa quá chung chung, dễ bị ngộ nhận và ảnh hưởng tới các thông tin điện tử hàng loạt chính đáng. Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết: "Phù hợp với thông lệ quốc tế, nghị định mới đã định nghĩa lại rằng ngoài các loại RĐT mà pháp luật cấm (cụ thể theo một số luật) thì tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi được là "rác" khi chúng có nội dung và mục đích quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người nhận hoặc vi phạm các quy định về gửi tin nhắn quảng cáo tại nghị định này". Điều thứ hai đáng chú ý và được nhiều người kỳ vọng là nghị định mới đã đưa ra được những biện pháp cụ thể và mạnh mẽ (phạt nặng) thể hiện quyết tâm giải quyết tới nơi tới chốn vấn nạn RĐT.
Nhưng như đã nói ở trên, người tiêu dùng có được giải thoát khỏi vấn nạn RĐT và nghị định mới có được thực thi hữu hiệu hay không sẽ phụ thuộc vào việc pháp luật phải được thực thi nghiêm minh và các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải có trách nhiệm (phải chịu chế tài nặng nề) ngăn chặn các loại RĐT xảy ra trên hệ thống của mình.
Bình luận (0)