xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguy cơ vạ lây nếu nhập nhằng xuất xứ

Phạm Hồng Phước

Trong quy trình sản xuất hàng điện tử, nhiều nhà sản xuất cứ vô tư dán nhãn "Made in Vietnam"

Chưa bao giờ vấn đề ghi nhãn xuất xứ sản phẩm, đặc biệt là hàng công nghệ, lại nóng như hiện nay. Mọi chuyện âm ỉ từ lâu nhưng chỉ vỡ ra khi một tờ báo khởi đăng loạt điều tra về nghi án "Asanzo - hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt". Chuyện định lượng và pháp lý hóa thế nào là hàng "Made in Vietnam" đang trong tình trạng cấp thiết. Nó sẽ quyết định việc giải cứu các doanh nghiệp Việt khỏi bị tổn hại khi các nước áp thuế cao trừng phạt hay thậm chí cấm nhập khẩu.

Có thể bị kiểm soát chặt

Ngày 1-8-2019, nhật báo tài chính Mỹ nổi tiếng Wall Street Journal (WSJ) đã xuất bản phóng sự video có tựa đề: "When "Made in Vietnam" products are actually from China" (Khi các sản phẩm "Made in Vietnam" thực chất là từ Trung Quốc). Báo này phản ánh hiện trạng ngày càng có nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển sản phẩm của mình qua Việt Nam và một số nước khác để lấy xuất xứ mới rồi xuất qua Mỹ để tránh mức thuế quan quá cao mà Mỹ áp cho hàng hóa nhập từ Trung Quốc.

Nguy cơ vạ lây nếu nhập nhằng xuất xứ - Ảnh 1.

Asanzo thống lĩnh thị trường nông thôn, đặc biệt là mặt hàng tivi. Trong ảnh: Tại một dây chuyền lắp ráp tivi của Công ty Asanzo Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Báo WSJ đưa ra 2 con số có lẽ có quan hệ với nhau. Từ tháng 5-2018 tới tháng 5-2019, hàng điện tử gia dụng từ Việt Nam xuất qua Mỹ tăng 72%. Cùng thời kỳ đó, linh kiện điện tử mà Việt Nam nhập từ Trung Quốc tăng 81%. Và cũng trong ngày 1-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo từ ngày 1-9, sẽ áp thuế nhập khẩu 10% đối với 300 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc nhập vào Mỹ. Đây là khoản áp thuế mới, không phải khoản 250 tỉ USD hàng hóa đã bị áp thuế 25% trước đó. Nhiều nhà phân tích cho rằng khi cái tên Việt Nam thường xuyên được gọi lên giữa lúc cuộc thương chiến Mỹ - Trung ngày càng leo thang, nhà chức trách Mỹ có nhiều khả năng đặt các hàng hóa nhập từ Việt Nam vào chế độ kiểm soát chặt chẽ hơn. Đó là chưa kể có thêm nhiều nguy cơ bị trừng phạt bằng thuế quan cao nếu như Việt Nam cứ để nước ngoài đội lốt xuất xứ. Hậu quả là từ chỗ có thể hưởng lợi từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung, Việt Nam có thể trở thành nước bị vạ lây.

Ngay tại thị trường trong nước, vấn đề ghi nhãn hàng hóa đang rất nóng và phức tạp. Ra đời chưa bao lâu, Công ty Asanzo phát triển nhanh, tung ra thị trường nhiều sản phẩm điện tử, điện máy gia dụng đánh thẳng vào phân khúc thị trường giá rẻ. Chỉ trong ít năm, Asanzo đã thống lĩnh thị trường nông thôn, đặc biệt là tivi, với doanh thu mỗi năm hàng ngàn tỉ đồng. Công ty này thừa nhận có 70% linh kiện tivi được nhập từ Trung Quốc. Nghi án "Asanzo - hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt" hiện đang chờ kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng (dự kiến sẽ có vào cuối tháng 8), nhưng qua đây đã làm vỡ ra rất nhiều vấn đề trong việc xác định nguồn gốc, xuất xứ.

Tại Việt Nam, hiện không chỉ có hàng công nghệ, có không ít nhà sản xuất hàng hóa thương hiệu Việt đều chọn cách làm như hoặc gần giống Asanzo. Vì vậy, chuyện của Asanzo cũng chính là của họ. Nếu hồi tố, còn nhiều doanh nghiệp từ nhiều năm trước cũng lắp ráp thành phẩm tương tự. Trong quy trình sản xuất hàng điện tử, có các hình thức lắp ráp CKD, IKD, SKD, OEM… và nhà sản xuất cứ vô tư dán nhãn "Made in Vietnam".

Chưa có tiêu chí xác định xuất xứ

Bộ Công Thương thừa nhận cho tới thời điểm này, vẫn chưa có quy định pháp lý về tiêu chí xác định và ghi nhãn hàng "Sản xuất tại Việt Nam" (Made in Vietnam) hay "sản phẩm của Việt Nam" (Product of Vietnam) đối với sản phẩm tiêu thụ nội địa. Tất cả được thả nổi cho nhà sản xuất tự đánh giá và công bố, cũng như để người tiêu dùng tự tìm hiểu và nhận biết.

Bộ Công Thương nhấn mạnh việc thiếu các quy định nhằm xác định như thế nào để một sản phẩm được coi là "Sản phẩm của Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam" khiến nhà sản xuất, kinh doanh đã lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43/2017 về nhãn hàng hóa. Việt Nam đã nếm mùi bị trừng phạt vì bị đội lốt xuất xứ. Bộ Thương mại Mỹ hồi đầu tháng 7-2019 đã ra quyết định áp thuế lên tới 456% đánh vào nguyên liệu thép cán nguội và không gỉ từ Việt Nam vì nghi lẩn tránh thuế thông qua mạo nhận xuất xứ Việt Nam từ sản phẩm của Hàn Quốc và Đài Loan. Vì những lý do đó, việc Bộ Công Thương ngày 2-8 đưa ra công khai lấy ý kiến về dự thảo thông tư "Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam" có ý nghĩa đặc biệt và rất cần thiết. Nhiều ý kiến nhận xét dự thảo thông tư này đã đưa ra được những tiêu chí cụ thể, định lượng về cách xác định xuất xứ sản phẩm. Tuy nhiên, các tiêu chí xác định xuất xứ sản phẩm cần phải tương thích với các quy chuẩn quốc tế để bảo đảm hàng hóa Việt Nam có thể đạt chuẩn toàn cầu. Không nên phân biệt cách ghi xuất xứ cho hàng xuất khẩu và hàng tiêu thụ nội địa như trước mà áp dụng một chuẩn chung thống nhất. Điều này vừa dễ quản lý vừa giúp các sản phẩm Việt Nam luôn có thể sẵn sàng để đi ra nước ngoài. 

Hai cách tính xác định "Made in Vietnam"

Theo dự thảo thông tư mà Bộ Công Thương vừa đưa ra lấy ý kiến, hàng hóa được coi là "Made in Vietnam" khi có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam. Với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam sẽ được coi là hàng "Made in Vietnam" nếu đáp ứng 2 tiêu chí về chuyển đổi mã số hàng hóa HS và hàm lượng giá trị gia tăng. Dự thảo đưa ra 2 công thức tính. Ở cách trực tiếp, hàng hóa được xác định là "Made in Vietnam" nếu có giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ ở Việt Nam chiếm 30% giá xuất xưởng. Với cách tính gián tiếp, giá trị xuất xưởng trừ đi giá trị nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam chiếm khoảng 30% giá trị xuất xưởng cũng được coi là "Made in Vietnam". Tuy nhiên, để được xem là hàng "Made in Vietnam", ngoài đạt tỉ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa là 30%, hàng hóa này còn phải vượt qua khâu gia công đơn giản. M.Chiến

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo