Các chuyên gia đều nhận định thương mại điện tử (TMĐT) đã tăng tốc nhanh hơn lộ trình từ "cú hích" Covid-19. Do đặc thù của đại dịch này, người ta phải giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, tránh đến mức thấp nhất việc lui tới các nơi đông người… Mua sắm trực tuyến (MSTT) trở thành một giải pháp tiện ích cho người dùng và nhà kinh doanh.
Ứng dụng di động tốt thắng lớn
Quý II/2020, TMĐT Việt Nam cho thấy rõ các bước phát triển mới, vượt trội so với các nước trong khu vực. Điều đó được thể hiện trong báo cáo "Bản đồ TMĐT Việt Nam quý II/2020" do website Tìm kiếm và So sánh giá iPrice Group phối hợp cùng SimilarWeb và App Annie thực hiện.
Dữ liệu từ iPrice Group và SimilarWeb cho thấy sau 6 tháng đầu năm, lượng truy cập vào các website bách hóa ở Việt Nam tăng hơn 41%, ngành hàng mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe tăng 21%. Tác động từ Covid-19 đã tạo ra thói quen MSTT mới, mang đến động lực tăng trưởng lâu dài cho các ngành hàng trước đây vốn không phải là trọng tâm. Các nhà chuyên môn cũng ghi nhận có sự thay đổi trong phương thức MSTT, ngày càng có thêm nhiều người mua sắm qua các ứng dụng trên thiết bị di động. Và kênh online nào đầu tư ứng dụng di động tốt sẽ thắng lớn. Ông Đặng Đăng Trường, chuyên viên Nội dung và Truyền thông khu vực của iPrice Group, cho biết: "Cuộc chiến TMĐT lan tỏa lên ứng dụng di động đã được dự báo từ lâu. Cuối năm 2019, đầu năm 2020 là thời điểm các sàn TMĐT thử nghiệm ráo riết nhằm phát triển mua sắm trên di động như TikiLive, Shopee Feed, SenLive… để đáp ứng nhu cầu giải trí, MSTT trong thời gian cách ly xã hội". Theo iPrice Group và App Annie, Top 10 ứng dụng MSTT được sử dụng nhiều nhất Việt Nam trong quý II lần lượt có Shopee, Lazada, Tiki và Sendo, theo sau là một loạt các ứng dụng nước ngoài. Thegioididong là đơn vị nội duy nhất ngoài Tiki và Sendo có mặt trong Top 10.
Shipper giao hàng cho người mua sau đợt sale 11-11 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Kết quả quý II/2020, theo báo cáo của iPrice Group và App Annie, tổng số lượt truy cập vào các ứng dụng di động MSTT tại Việt Nam đã đạt 12,7 tỉ lượt, cao nhất từ trước đến nay và tăng 43% so với quý I/2020. Báo cáo "We are social x Hootsuite, Digital in 2020" đánh giá internet, nền kinh tế internet với 68 triệu người dùng của Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh thứ 2 trong khu vực, đạt mức tăng trưởng 39% mỗi năm kể từ năm 2015. Quỹ đạo tăng trưởng này tiếp tục với chính sách của Chính phủ hướng tới độ phủ 100% của điện thoại thông minh với những gói dữ liệu mạng di động rẻ nhất khu vực.
Chào hàng bằng livestream
Google vừa qua đã công bố báo cáo "Tìm kiếm cho ngày mai của Việt Nam", trong đó xem xét các xu hướng tìm kiếm của người dùng và khám phá cách họ đang tích hợp kỹ thuật số vào cuộc sống. Tìm kiếm là một chỉ báo hiệu quả để nắm cách thức, nơi tìm kiếm thông tin và quyết định mua hàng giúp các thương hiệu hiểu sâu người dùng nhằm giữ chân họ.
Báo cáo của Google ghi nhận: Nội dung phù hợp và dễ tiếp cận của YouTube thu hút người dân nông thôn ở Việt Nam, với 97% số người được khảo sát sử dụng nền tảng này hằng tuần và 62% xem nội dung trên đó hằng ngày. Vì thế, đây là nơi lý tưởng để người dùng được chào mời các sản phẩm. Nhưng khi đưa ra quyết định mua hàng, rõ ràng Google tìm kiếm là lựa chọn hàng đầu với 45% người dùng nông thôn sử dụng để tìm kiếm thông tin về sản phẩm so với các phương tiện truyền thống (24%) và mạng xã hội (27%). Kết quả cho thấy 77% người dùng nông thôn Việt Nam đã nhấp vào Quảng cáo tìm kiếm vì dòng tiêu đề có liên quan. Bên cạnh các hoạt động khuyến mại, giảm giá, ưu đãi là chủ lực trong MSTT, các sàn TMĐT đã đẩy mạnh các hoạt động livestream và game trên ứng dụng di động. Mục tiêu là để tăng tương tác và tăng lượng người sử dụng ứng dụng, tranh thủ quãng thời gian giãn cách xã hội. Các sàn TMĐT đã chú trọng song song cả kích cầu người tiêu dùng lẫn kích cung người bán hàng để tất cả cùng có lợi.
Hiệu quả của phương thức chào hàng bằng livestream trực tiếp từ người bán đã được chứng minh. Người dùng có xu hướng ưu tiên chọn mua sắm qua livestream để có nhiều góc nhìn trực quan về sản phẩm, nhận sự tư vấn trực tiếp từ các thương hiệu và nhà bán hàng, trong khi họ vẫn có thể thu thập những mã giảm giá. Hình thức thuận tiện này giúp người dùng mua được các sản phẩm chất lượng tốt với giá tiết kiệm. Trong Lễ hội Mua sắm 11-11 vừa qua, chuỗi hoạt động livestream từ ngày 1 đến 11-11 trên LazLive - kênh livestream trên ứng dụng Lazada - đã đạt số lượt xem tăng gấp 20 lần năm trước. Số thương hiệu và nhà bán hàng tham gia livestream tăng 120%. Tổng số đơn hàng thành công tăng 70 lần so với Lễ hội Mua sắm 11-11 năm ngoái.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc Marketing Lazada Việt Nam, các nỗ lực kích cầu của Lazada sẽ hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mang đến trải nghiệm mua sắm tiện ích cho khách hàng. Sàn Lazada đã tạo ra ưu thế mạnh với hoạt động mua sắm kết hợp giải trí ngay trên ứng dụng di động của họ qua đại nhạc hội trực tuyến Lazada Super Show 11-11. Kết quả, sự kiện này đã thu hút gần 10 triệu lượt xem, tăng hơn 20 lần so với năm 2019.
Trang bị kỹ năng thúc đẩy tăng trưởng
Google và Lazada ngày 10-11 đã công bố chương trình hợp tác tổ chức các khóa đào tạo miễn phí cho nhà bán hàng trực tuyến, trang bị kỹ năng thao tác và thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng trên nền tảng số. Chương trình này nhằm hỗ trợ, cung cấp kiến thức hữu ích cho các nhà bán hàng và doanh nghiệp vừa và nhỏ giúp họ chuyển đổi số thành công. Trên nền tảng website Grow with Google, doanh nghiệp nhỏ ở khắp Đông Nam Á có thể tiếp cận nhiều khóa học ngắn miễn phí do Học viện Lazada cung cấp bên cạnh các khóa học tương tác mini khác trên ứng dụng Google Primer. Các nhà bán hàng trên Lazada có thể tiếp cận những nội dung được Google đồng sáng tạo trực tiếp trên Học viện Lazada. Họ cũng có thể tham gia vào những khóa học do các chuyên gia từ Google thực hiện và được livestream trên cổng thông tin Học viện Lazada.
Bình luận (0)