Nhưng ở một số nơi, liên quan đến sổ hộ khẩu, người dân vẫn gặp khó khăn trong thủ tục hành chính hay một số giao dịch cần xác nhận nơi thường trú. Nói cách khác, việc chuyển đổi số đã gặp một số vấn đề, chủ yếu là tính liên thông, đồng bộ hóa, chưa thông suốt theo cả hàng dọc lẫn hàng ngang và bất cập về truy xuất. Việc buộc người dân phải xuất trình giấy xác nhận cư trú trong một số thủ tục hành chính như hiện nay thực chất là "bình mới, rượu cũ", thay sổ hộ khẩu bằng giấy xác nhận cư trú, thậm chí còn gây nhiều bất tiện hơn so với khi dùng sổ hộ khẩu giấy.
Lý do được các đơn vị xử lý hành chính một số nơi đưa ra là sự cố do chưa liên thông đồng bộ được dữ liệu? Theo dữ liệu do Tổ đề án 06 của Chính phủ công bố vào cuối tháng 2-2023, hiện nay chỉ còn 4 địa phương chưa kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Gia Lai, Phú Yên, Thanh Hóa và Bắc Kạn. Tuy nhiên, thực tế, ở 59 tỉnh, thành đã kết nối vẫn xảy ra tình trạng chưa thể liên thông đầy đủ, chưa thể khai thác được các dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên cán bộ cơ sở không thể xác định đầy đủ nhân thân của người dân. Rõ ràng, thực tế vẫn còn vướng. Nghị định 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21-12-2022 đã quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan nhưng đến nay, các thủ tục "dưới nghị định" do các bộ - ngành, địa phương ban hành vẫn chưa được sửa đổi. Trong văn bản do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn ký ngày 9-3-2023, Văn phòng Chính phủ đã liệt kê 48 danh mục các thông tư, quyết định cần rà soát, sửa đổi liên quan việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú. Ngoài ra là danh mục 267 thủ tục hành chính có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc giấy xác nhận cư trú được yêu cầu rà soát để bãi bỏ. Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu các bộ - ngành, địa phương phải hoàn thành quy trình nội bộ bãi bỏ yêu cầu nộp hộ khẩu, cư trú trước ngày 20-3-2023.
Có lẽ, giải pháp cần kíp để gỡ rào cản về xác nhận cư trú của công dân sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy là có sự chỉ đạo và thi hành quyết liệt, kết hợp kiểm tra chặt chẽ, từ Chính phủ, Bộ Công an và các bộ - ngành khác, cũng như UBND tỉnh, thành. Không thể chỉ vì vướng mắc này mà gây ảnh hưởng tới công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia để mang lại tiện ích cho xã hội. Việc xác nhận cư trú hậu sổ hộ khẩu chỉ có thể được giải quyết thật sự nếu như các cơ quan chức năng khi cần thiết tự mình có trách nhiệm xác minh hiện trạng cư trú của người dân chứ không nên đẩy khó cho người dân.
Thủ tướng đã có chỉ đạo cụ thể, cấp dưới tuân hành, khi cần thì tháo gỡ ngay, trên hết là vì sự tiện lợi cho người dân và sự thông thoáng nhưng vẫn bảo đảm an toàn, đúng pháp luật cho các thủ tục hành chính. Có thể coi việc điện tử hóa của công tác quản lý cư trú của người dân như một thử nghiệm về ứng dụng và khai thác cơ sở dữ liệu cấp quốc gia trên tiến trình xây dựng chính quyền số. Sẵn dịp này cũng cần hoàn thiện luôn các lĩnh vực, không chỉ có chuyện quản lý hộ khẩu.
Bình luận (0)