Khi các dịch vụ xuyên biên giới vào hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, có tư cách pháp nhân và thực hiện các nghĩa vụ tài chính, cơ quan chức năng cần quản lý để sản phẩm không gây nguy hại nhưng cần có tiếng nói chung với nhà cung cấp dịch vụ để mang lại lợi ích thiết thực cho người dùng và xã hội.
Mở rộng thị trường Việt Nam
Trong nền kinh tế số, hoạt động kinh doanh và dịch vụ xuyên biên giới là một trong những dịch vụ đặc thù mà các nước phải chấp nhận sân chơi quốc tế, tìm ra cách chung sống và khai thác nó để đem lại nhiều lợi ích cho người dùng và xã hội. Những doanh nghiệp (DN) dịch vụ xuyên biên giới như Netflix, Amazon… có đặc thù riêng. Họ hoạt động hoàn toàn trên internet và không nhất thiết phải mở chi nhánh kinh doanh ở một địa phương nào khác - ngoại trừ thị trường đó cực lớn. Vì thế, khách hàng từ khắp nơi trên thế giới đều có thể vào website chính hay khu vực của dịch vụ để giao dịch. Nếu cần phải tăng cường sự hỗ trợ cho các khách hàng ở khu vực nào thì họ mới có người hay mở văn phòng đại diện ở khu vực đó.
Netflix là dịch vụ phát trực tuyến các chương trình truyền hình, phim, phim tài liệu… trên các thiết bị có kết nối internet. Hiện Netflix cung cấp nội dung trên nền internet cho 190 quốc gia với hơn 151 triệu thuê bao có trả phí. Dịch vụ đã có mặt ở hầu hết khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, kể từ năm 2016. Với số dân khoảng 97 triệu người và đặc biệt là có cơ sở hạ tầng internet phủ rộng với tỉ lệ người dùng cực cao trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng đối với các công ty kinh doanh và dịch vụ trên internet. Vì thế, Netflix coi trọng thị trường Việt Nam. Cơ chế dịch vụ của loại hình này mang tính toàn cầu. Một khách mua dịch vụ ở Mỹ có thể chia sẻ tài khoản của mình cũng như phí dịch vụ cho tới 3 người khác ở bất cứ đâu. Netflix không xen vào vì họ đã thu được tiền từ khách hàng chính.
Netflix hiện có mặt phổ biến trên các thiết bị thông minh Ảnh: QUANG LIÊM
Hồi cuối tháng 8, ông Kuek Yu-Chuang, Giám đốc điều hành Netflix khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Hà Nội để bàn về triển vọng hợp tác giữa Netflix với Việt Nam trong thời gian tới. Ông Yu-Chuang khẳng định Netflix thực sự mong muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam một cách nghiêm túc, cam kết sẵn sàng tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam, đóng thuế theo đúng quy định của pháp luật. Và mới đây, ngày 16-10, Netflix đã chính thức có giao diện tiếng Việt với kho nội dung phim Việt cung cấp cho người dùng ở Việt Nam. Từ mấy năm trước, Netflix đã cung cấp các chương trình thiếu nhi, truyền hình, phim ảnh có gắn phụ đề tiếng Việt.
Đặc thù của Netflix là cung cấp danh mục nội dung riêng cho từng nước mà họ hoạt động (dựa theo IP của người dùng). Netflix giải thích đây không chỉ là để có thể phục vụ đúng sở thích, thị hiếu của người dùng từng nước mà còn về vấn đề bản quyền địa phương cũng như hạn chế những xung đột (văn hóa, chính trị, tín ngưỡng…) về nội dung ở từng nước. Netflix cho biết khi có yêu cầu chính thức từ nhà chức trách nước sở tại, họ sẽ không cung cấp những nội dung nào đó hay chỉnh sửa lại nội dung cho phù hợp.
Cần tìm tiếng nói chung
Tuy nhiên, tháng 8 vừa qua, cơ quan quản lý ở Việt Nam vừa yêu cầu 4 nhà sản xuất tivi lớn là Samsung, Sony, LG và TCL phải ngưng tích hợp ứng dụng Netflix trong hệ thống SmartTV của mình, đặc biệt là "gỡ bỏ" nút truy cập trực tiếp Netflix trên những chiếc điều khiển từ xa của tivi. Lý do là Netflix chưa tuân thủ các quy định của Việt Nam đối với dịch vụ cung cấp nội dung số trên internet, chưa tuân thủ chính sách thuế cũng như kiểm duyệt nội dung ở thị trường Việt Nam.
Một số chuyên gia cho rằng cách xử lý này là đẩy trách nhiệm và sự thiệt hại về cho DN phần cứng và người tiêu dùng. Bởi ai cũng biết việc được tích hợp sẵn các ứng dụng như vậy, nhất là ngay trên chiếc điều khiển từ xa, đem lại nhiều thuận lợi cho người dùng. Còn chuyện quản lý chuyên ngành ra sao là của nhà nước. Cơ quan chức năng vẫn có thể chặn kết nối với nhà cung cấp vi phạm. Việc "xử" cái nút trên chiếc điều khiển từ xa sẽ gây khó cho nhà sản xuất tivi và bất tiện cho người dùng.
Các DN làm ăn nghiêm túc, đặc biệt là các "ông lớn" toàn cầu, đều muốn mở rộng kinh doanh và phát triển bền vững, cùng có lợi. Để hài hòa, cả 2 bên phải tìm ra tiếng nói chung để có lợi cho tất cả.
Buộc gỡ nội dung không phù hợp
Theo một báo cáo gần đây của tổ chức phi lợi nhuận Freedom House, tính từ tháng 6-2017 tới nay, có ít nhất 17 nước đã soạn thảo hay thông qua luật siết chặt nội dung trên internet. Các dịch vụ internet có thể bị nhà chức trách nước sở tại khóa các địa chỉ không cho truy cập vào các website của nhà cung cấp. Cách đây không lâu, Ả Rập Saudi đã kiểm duyệt và yêu cầu Netflix không phát ở nước này một tập trong loạt phim Patriot Act with Hasan Minhaj với lý do có ý phê phán Thái tử Mohammed bin Salman. Trước đó, Netflix từng phải gỡ bỏ 3 tập trong những bộ phim khác nhau phát ở Singapore do vi phạm luật của nước này về sử dụng ma túy.
Bình luận (0)