Thuật ngữ "Ngày tận thế Internet" lần đầu tiên được sử dụng trong bài báo khoa học có tựa đề "Siêu bão Mặt trời: Lập kế hoạch cho Ngày tận thế Internet" của tác giả Sangeetha Abdu Jyothi. Đây là nữ giáo sư khoa học máy tính tại ĐH California ở TP Irvine - Mỹ.
Nội dung của bài báo xuất bản năm 2021 cho tới nay đã nhận được sự quan tâm lớn của các chuyên gia và người sử dụng mạng xã hội khắp toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu ngày càng lo ngại nguy cơ xảy ra Ngày tận thế Internet. Ảnh: Pixabay
Các ý kiến cho rằng "Ngày tận thế Internet" nghe có vẻ giống khoa học viễn tưởng và dù khó nhưng có thể xảy ra. Nguyên nhân do chịu ảnh hưởng từ Siêu bão Mặt trời dẫn tới mất Internet trên diện rộng.
Đó là khi mặt trời bước vào giai đoạn hoạt động đặc biệt, được gọi là "cực đại năng lượng mặt trời", dự báo xảy ra trong năm 2025, tức chỉ khoảng 2 năm nữa.
Mặt trời khi đó sẽ giải phóng năng lượng ra không gian. Hiện tượng này có thể ở dạng được gọi là lóa mặt trời, phun trào khối vành nhật hoa, gió mặt trời, v.v.
Nếu nó va chạm với từ trường của Trái đất, sẽ ngay lập tức gây ra cơn bão địa từ. Cực quang của nó sẽ tác động đến lưới điện, vệ tinh, cơ sở hạ tầng Internet và thậm chí các giàn khoan dầu có thể phải ngừng hoạt động.
"Nếu một cơn bão mặt trời đủ mạnh như sự kiện Carrington năm 1859, nó có thể phá hủy các vệ tinh, lưới điện và hơn thế nữa. Lúc này, sự cố ngừng hoạt động Internet có thể kéo dài hàng tháng vì thiệt hại của nó sẽ tốn rất nhiều thời gian để khắc phục" – tờ Washington Post dẫn nhận định của các chuyên gia cho hay.
Bình luận (0)