Trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin (CNTT) và Truyền thông - Ngày Chuyển đổi số (CĐS) Việt Nam 2020 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức giữa tháng 12 tại Hà Nội, hội nghị chuyên đề CĐS cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME) cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với khối DN chiếm tỉ trọng lớn trong khu vực kinh tế tư nhân, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam này. Có thể nói, CĐS ở Việt Nam muốn thành công thì phải tập trung vào SME.
Khó khăn về vốn
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, SME Việt Nam chiếm hơn 95% tổng số DN và đóng góp khoảng 47% vào GDP cả nước. Hiện nay, 79% SME vẫn trong giai đoạn khởi động CĐS nhưng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt bậc, đóng góp 30 tỉ USD cho GDP cả nước trong năm 2024.
VINASA cho biết có tới 99% SME đang gặp khó khăn về vốn, dù rất muốn nhưng khó lòng tiến hành CĐS và không ít SME cho rằng CĐS là việc của các DN lớn. Tại hội nghị nêu trên, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc VCCorp - nhà sáng lập Bizfly, có 4 quan niệm hiểu chưa chính xác về CĐS: Chỉ dành cho DN lớn; tốn nhiều tiền; triển khai càng nhiều, càng nhanh càng tốt và là chiếc đũa thần giúp DN cất cánh. Trong khi đó, các nhà chuyên môn luôn nhấn mạnh CĐS trong DN thực chất chỉ là một giai đoạn trong cuộc hành trình xây dựng nền kinh tế số; tuy tạo điều kiện, mở rộng thời cơ cho phát triển nhưng không thể là giải pháp toàn năng giải quyết mọi vấn đề cho DN. Đồng thời, cũng chẳng thể có hình mẫu CĐS chung cho tất cả DN mà mỗi DN, mỗi ngành nghề cần được các nhà chuyên môn đến khảo sát, tư vấn để tìm ra giải pháp phù hợp.
Việt Nam có được lợi thế là có sự nhất quán chủ trương về đẩy mạnh công nghệ 4.0, trong đó có CĐS. Vào tháng 9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thủ tướng Chính phủ ngày 3-6-2020 đã ký Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Kết quả một cuộc khảo sát do Viện Phát triển DN - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện với hơn 400 DN tại Việt Nam, được công bố tại Diễn đàn Khởi nghiệp ASEAN 2020 ở Hà Nội ngày 16-10, cũng cho thấy nhận thức về CĐS của DN Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, phần lớn đã trang bị năng lực cho CĐS.
Chuyển đổi số ở Việt Nam muốn thành công thì phải tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May mặc Dony (TP HCM) sản xuất khẩu trang xuất khẩuẢnh: Hoàng Triều
Nhà nước phải là nhạc trưởng
Thực tế trong thời gian qua, từ Chính phủ cho tới các ngành và các địa phương đều chủ động có hàng loạt giải pháp hỗ trợ DN CĐS. Nhiều tổ chức, DN lớn đứng ra hỗ trợ SME tiếp cận và thực hiện CĐS.
Ngày 3-12 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) công bố "Chương trình Hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025" thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của SME (LinkSME). Theo đó, trong những năm tới, Bộ KH-ĐT sẽ tiếp tục hợp tác với dự án USAID LinkSME để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, có 100% DN Việt Nam được nâng cao nhận thức về CĐS và tối thiểu 100.000 DN được hỗ trợ kỹ thuật.
Riêng tại TP HCM, ngày 24-9, Hiệp hội DN TP (HUBA) đã công bố chương trình CĐS nhằm tư vấn và hỗ trợ SME trên địa bàn tiếp cận các gói giải pháp với chi phí phù hợp. Đây là hoạt động triển khai cụ thể Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 3-7 về Chương trình CĐS của TP HCM. Có 8 nhóm DN được HUBA tập trung hỗ trợ CĐS lần này, gồm: khởi nghiệp, thương mại - dịch vụ, logistics, dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, bất động sản, bán lẻ, sản xuất, dịch vụ lữ hành - lưu trú - du lịch.
Với vai trò một doanh nghiệp nhà nước về công nghệ, đặc biệt là công nghệ mạng, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) là đơn vị tư vấn, đồng hành với các DN trong tiến trình CĐS. Theo đó, có 3 vấn đề DN cần lưu ý: cơ sở hạ tầng số, số hóa hệ thống quản lý quản trị (phần mềm quản lý nhân lực, kế toán...) và số hóa tư liệu sản xuất (áp dụng công nghệ vào sản xuất). Tuy nhiên, do mỗi DN có những đặc thù riêng, VNPT đã xây dựng bộ giải pháp CĐS với độ tùy biến cao, cho phép "may đo" cho từng DN. VNPT đã phát triển hệ sinh thái các giải pháp để có thể linh hoạt triển khai theo nhu cầu của từng DN. Cũng đã có những start-up ra đời với các dịch vụ, giải pháp nhằm trợ giúp cho SME CĐS. Chẳng hạn, Công ty New Retail Technology (TP HCM) chuyên về công nghệ cho ngành hàng bán lẻ giữa tháng 12-2020 đã giới thiệu KaiPass - một ứng dụng tích điểm đổi quà - cho tất cả các thương hiệu, cửa hàng.
CĐS phải được bắt đầu từ những công việc nhỏ và có khả năng tới đâu thì tiến hành ngay tới đó. Với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, khối SME phải được đầu tư mạnh mẽ để đẩy mạnh công cuộc CĐS hiệu quả. Tuy nhiên, do nhu cầu rất lớn, nguồn lực có hạn nên việc đầu tư không thể dàn trải, cần phải hỗ trợ đúng đối tượng và đáp ứng yêu cầu thiết thực của từng DN. Nhà nước vẫn phải là nhạc trưởng và chủ lực, có thể kêu gọi nguồn lực xã hội cùng chung tay đẩy mạnh công cuộc CĐS ở Việt Nam.
Cơ hội chuyển đổi số của SME còn thấp
Tại hội nghị "Kinh tế số, CĐS tại Việt Nam và Hiệp định EVFTA" mới đây, TS Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng nền tảng năng lực công nghệ quốc gia hiện còn thấp và Việt Nam vẫn là nước đi sau về công nghệ. Về công nghệ, có thể chia DN trong nước thành 4 nhóm chính: dẫn đầu; phát triển ứng dụng các công nghệ số, CNTT; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; SME. Trong đó, cơ hội CĐS của nhóm SME đang thấp nhất.
Bình luận (0)