Ngày 10-10, hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 2022, Cục Phát triển doanh nghiệp- Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án LinkSME tổ chức hội nghị triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 (Chương trình) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Khánh Hòa.
Chương trình được thiết kế với 4 mục tiêu chính, bao gồm: Thứ nhất, chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; thứ 2, hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh; thứ ba, hỗ trợ số hóa quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất và thứ 4 là hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ. mô hình mới cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Trung Kiên, Chuyên gia chuyển đổi số, Chủ nhiệm tư vấn cấp cao, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam), cho biết chuyển đổi số (CĐS) là một hành trình thay đổi của một tổ chức theo một cách sáng tạo và liên tục, trên phương diện "Con người và Quy trình" được hiện thực hóa bởi các công nghệ đột phá, để nâng cao hiệu suất mô hình kinh doanh của nó.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng khoa học công nghệ, các phần mềm vào công việc quản trị kinh doanh như: tài chính, ngân hàng, đặt phòng du lịch, quản lý công việc... Việc chuyển đổi số giúp tăng doanh thu, giảm chi phí sản xuất và vận hành, tăng mức độ hài lòng của khách hàng, tăng thị phần, tăng sự minh bạch thông tin...
Người nông dân trồng xoài ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa rất thích thú khi chứng kiến cảnh máy bay điều khiển từ xa phun phân bón một cách chính xác, tiết kiệm công sức, phân bón
Theo các chuyên gia CĐS, việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực này có thể ở khâu sản xuất. Hiện có các hệ thống GIS (Geographic Information System), là hệ thống thông tin địa lý và các biến thể của nó là WebGIS áp dụng trong lĩnh vực Khí tượng thủy văn, xác định tâm bão, dự đoán các luồng chảy, xác định mức độ ngập lụt, giám sát thu hoạch, hệ thống quản lý đất đai, dự báo về hàng hoá, nghiên cứu về đất trồng, kế hoạch tưới tiêu, kiểm tra nguồn nước... Hệ thống HPC (High Performance Computing) là hệ thống tính toán hiệu năng cao áp dụng cho dự báo thời tiết chuyên sâu.
Trong trồng trọt, có thể áp dụng cảm biến sử dụng công nghệ ứng dụng trong giải pháp truy xuất nguồn gốc, giải pháp tưới tiêu thông minh. Trong chăn nuôi, các thiết bị đeo cổ cho động vật, giúp theo dõi và chăm sóc gia súc, gia cầm... để quản lý gia súc, gia cầm bị trộm hay đi lạc có thể được ngăn chặn đáng kể.
Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) chuyên về nông nghiệp khi CĐS sẽ có rất nhiều lợi ích. Cụ thể DN có thể dựa trên các dữ liệu lịch sử thu thập được về điều kiện sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi kết hợp với dự báo thời tiết sẵn có để lên kế hoạch, lịch trình nuôi trồng phù hợp. Doanh nghiệp có thể tận dụng, tổng hợp các dữ liệu lịch sử về bệnh dịch, côn trùng gây hại cho vụ mùa để xây dựng phương án phòng/chống lại các tác nhân gây hại.
Các dữ liệu về doanh thu và lợi nhuận của các năm trước đây cung cấp cho doanh nghiệp các thông tin chuyên sâu cần thiết để tập trung sản xuất các sản phẩm mang lại lợi nhuận cao... Từ đó, DN dễ dàng kiểm soát giảm thiểu tỷ lệ hao hụt trong sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, tăng hiệu suất; tăng sự liên kết giữa đầu vào và đầu ra, từ đó tăng lợi nhuận.
Bình luận (0)