Ngay khi 3 nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Shopee, Lazada và Tiki vừa chào sân thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit (gọi tắt là Vinamit), đã đưa toàn bộ sản phẩm lên kênh phân phối tiềm năng này. Không dừng ở đó, ông chủ Vinamit còn đặt mục tiêu xây dựng một platform (nền tảng) của riêng mình và biến các sàn bán lẻ trực tuyến khác thành vệ tinh tiêu thụ sản phẩm.
Robot tư vấn khách hàng
Dự kiến đưa platform vào chạy thử sau 4 tháng nữa, ông Nguyễn Lâm Viên không giấu tham vọng đạt 50 triệu thành viên trong vòng 5 năm kể từ khi nền tảng này chính thức hoạt động.
Ông Viên cho biết platform của Vinamit sẽ có hình hài tương tự sàn TMĐT chuyên nghiệp với rổ sản phẩm được đăng bán, góc tư vấn khách hàng, khu vực quảng cáo với các bài chia sẻ trải nghiệm của người dùng sản phẩm, khu vực giải trí... Trong đó, góc tư vấn khách hàng được thiết kế để khách vào đặt câu hỏi liên quan đến sản phẩm, sức khỏe một cách dễ dàng, tiện lợi nhất. Với những câu hỏi phổ biến, robot sẽ trả lời khách hàng; còn những câu hỏi phức tạp sẽ được tự động chuyển về trung tâm và tư vấn viên là các chuyên gia dinh dưỡng.
PVOIL Easy đem đến trải nghiệm về một giải pháp thanh toán hiện đại .Ảnh: HOÀI DƯƠNG
"Sản phẩm của Vinamit hướng tới chăm sóc sức khỏe nên cần tư vấn trước khi sử dụng. Muốn tư vấn tốt nhất, nhanh nhất cho nhiều khách hàng nhất, mọi hoạt động phải được thực hiện trên một nền tảng số. Công nghệ, sức mạnh của AI (trí tuệ nhân tạo) chính là chìa khóa cho hành trình tìm "điểm chạm" với khách hàng trên nền tảng thương mại trực tuyến" - ông Viên nhận định.
Chủ tịch Vinamit cho biết số tiền ban đầu bỏ ra để đầu tư cho nền tảng tư vấn và bán hàng là 1 triệu USD và có thể chưa dừng lại. Nền tảng này sẽ kết nối trực tiếp đến các nền tảng bán hàng khác ở trong và ngoài nước như Lazada, Tiki, Shopee, Amazon... cùng các đơn vị logistics, giao nhận. Với hoạt động bán hàng ở nước ngoài, nhờ sự liên kết xuyên suốt này, mọi đơn hàng sẽ được xử lý ở trung tâm công nghệ trong nước, đơn vị cung ứng hoặc kho hàng đặt ở nước ngoài chỉ làm nhiệm vụ giao hàng, giúp giảm tối đa thời gian hàng hóa tới tay người mua.
"Trong hệ sinh thái cộng sinh này, Vinamit sẽ trở thành "nhà cái" để gom các đơn vị vào làm cùng. Khi đủ dung lượng sản phẩm đưa ra thị trường, chắc chắn chúng tôi sẽ đàm phán được những gói hợp đồng hiệu quả nhất, đến được đúng những điểm chạm mà khách hàng cần" - ông Viên tự tin.
Mở rộng chuyển đổi số tới tất cả các khâu, ông chủ Vinamit còn đầu tư vào Công ty CP La Moi để cung cấp các giải pháp công nghệ cho toàn bộ quy trình từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Đây cũng chính là công ty đang thiết kế platform nêu trên bên cạnh việc kết nối với người tiêu dùng từ những nền tảng công nghệ mà họ ưa thích lui tới như Facebook, TikTok... nhằm tăng thêm tệp khách hàng cho Vinamit.
Thanh toán không dùng tiền mặt, thẻ
Trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) là đơn vị đầu tiên và duy nhất đến nay ứng dụng giải pháp thanh toán mua xăng dầu bằng hình thức quét mã QR cài đặt trên thiết bị di động (PVOIL Easy). Ứng dụng này được đưa vào hoạt động từ ngày 6-2-2018 dành cho khách hàng là doanh nghiệp (DN) tại hơn 600 cửa hàng xăng dầu của PVOIL và Công ty CP Vật tư - Xăng dầu (COMECO).
PVOIL Easy đem đến cho khách hàng một giải pháp thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt và thẻ tín dụng, tự động cập nhật công nợ, quản lý mọi giao dịch phát sinh mà không tốn kém chi phí. Giải pháp này đặc biệt hữu ích cho những DN có nhiều phương tiện vận tải hoạt động trên các tuyến quốc lộ và các tỉnh, TP.
Trong bối cảnh tác động kép của đại dịch Covid-19 và sự suy giảm của giá dầu, hoạt động kinh doanh của PVOIL đứng trước khó khăn chưa từng có. Việc duy trì và phát triển ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất - kinh doanh là một trong những giải pháp được DN ưu tiên hàng đầu để ứng phó với tác động bất lợi.
Năm 2020, dù tổng sản lượng kinh doanh xăng dầu thấp hơn năm 2019 nhưng sản lượng qua kênh bán lẻ tại các cửa hàng xăng dầu vẫn duy trì ổn định nhờ một phần đóng góp quan trọng của PVOIL Easy. 2020 cũng là năm ghi nhận tăng trưởng vượt bậc của PVOIL Easy khi tổng sản lượng bán hàng qua hệ thống này đạt 65.200 m3, vượt 22,6% so với kế hoạch năm và tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước, bằng xấp xỉ 10% tổng sản lượng bán lẻ toàn hệ thống. Riêng tháng 12-2020, tiêu thụ qua PVOIL Easy đạt 6.593 m3, tương đương 212 m3/ngày, phá vỡ kỷ lục 208 m3/ngày của tháng 11.
Ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt của PVOIL tiếp tục giữ phong độ trong quý đầu năm nay với sản lượng bán hàng bình quân 6.200 m3/tháng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. DN xăng dầu này cũng tiếp tục mở rộng liên kết với các ứng dụng thanh toán điện tử lớn như MOMO, ViettelPay, VCB Mobile Banking và 22 ngân hàng liên kết của Vietcombank... nhằm tăng tiện lợi cho khách hàng, nhất là khách hàng cá nhân. Quý I/2021, hệ thống ghi nhận 252.217 lượt giao dịch thông qua các ứng dụng thanh toán, gần bằng con số 287.695 lượt của cả năm 2020.
Doanh nghiệp bán lẻ thuộc nhóm chuyển đổi số mạnh nhất
Tại sự kiện trực tuyến Virtual Vietnam Access Days do Viet Capital tổ chức mới đây, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình nhận xét chuyển đổi số đã và đang trở thành chủ đề lớn trong đời sống kinh tế - xã hội. Ông Bình dẫn khảo sát của công ty tư vấn McKinsey cho thấy 76% lãnh đạo các DN được hỏi có kế hoạch hoặc đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thích ứng với điều kiện mới. Trong đó, DN lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, y tế, bán lẻ và tiêu dùng có tỉ lệ ứng dụng cao nhất, tương ứng 85%, 82%, 81% và 79%.
Nghiên cứu của Zebra Technologies Corporation (công ty cung cấp giải pháp công nghệ, phần mềm) cũng ghi nhận 6/10 nhà bán lẻ được khảo sát muốn đẩy nhanh đầu tư công nghệ vì đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, phần lớn nhà bán lẻ muốn đẩy nhanh chuyển đổi số thông qua đầu tư vào các giải pháp đặt hàng di động, thanh toán thông minh...
Bình luận (0)