Điều đáng quan tâm là ở thái độ của cả nhân vật này lẫn cộng đồng mạng trong vụ việc. Khá "Bảnh" đã tới tòa với thái độ đầy tự tin và kiêu hãnh trong khi hàng trăm bạn trẻ có mặt để chờ đón, chụp ảnh, livestream với anh ta. Cho tới khi vướng vào vòng lao lý, Khá "Bảnh" vẫn là một KOL (người có ảnh hưởng cộng đồng). Vào thời "đỉnh" của mình, kênh YouTube của anh ta có tới 2 triệu người theo dõi - một con số "khủng". Và càng đáng sợ hơn, Khá "Bảnh" chuyên làm video có nội dung tục tĩu, giang hồ. Liệu có thể an tâm khi cả một cộng đồng mạng tới 2 triệu thành viên háo hức theo dõi những nội dung như vậy?
Cõi mạng - đặc biệt là mạng truyền thông xã hội - thực chất là một xã hội đời thường trong không gian ảo. Vì thế, nó như tấm gương phản ánh mọi thứ, đời thực có gì, đời ảo có nấy. Đó là lý do để từ trên mạng mà người ta có thể nhìn thấy xã hội thực mà mình đang sống. Muốn cho cõi mạng sạch thì xã hội thực trước phải được làm cho tốt trong lành.
Vì sao những người gây bão táp trên mạng, bị cộng đồng rộng rãi cho ăn "gạch đá", vẫn có được những đám đông không hề nhỏ phụ họa, hướng theo? Mới đây thôi, một "nhân vật của truyền thông" cùng nhóm bạn trở về thời "ăn lông ở lỗ" trên một đỉnh đèo nổi tiếng vẫn có gần nửa triệu người theo dõi, thậm chí có những người vẫn bỏ tiền theo anh ta học hỏi.
Đành rằng tất cả đều có thể biện minh là tự do cá nhân, mỗi người có cách sống riêng và sự lựa chọn riêng, miễn là biết chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Nhưng bất cứ xã hội nào cũng có những quy luật mang tính nền tảng, giềng mối của nó. Mà nền tảng bảo đảm cho sự phát triển vững bền của xã hội chính là những gì giữ cho xã hội đó được tốt lành.
Có lẽ nào ta lại dửng dưng và mặc kệ nó trước những thái độ bất thường và phi chuẩn mực của những nhân vật KOL và cộng đồng của những người ấy? Đó là một cuộc thách thức giữa thái độ của ta với thái độ của họ.
Bình luận (0)