Trong mấy năm qua, tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam Tái chế (ra đời từ năm 2015) đã cần mẫn thu hồi RĐT. Đây là một chương trình bảo vệ môi trường được điều hành bởi liên minh Nền tảng Tái chế Việt Nam gồm Công ty Công nghệ HP Việt Nam và Công ty Apple Việt Nam cùng Công ty Microsoft Việt Nam. Chương trình này thu hồi và tái chế miễn phí các sản phẩm điện tử bị lỗi hoặc đã qua sử dụng nhằm bảo đảm quy trình tái chế RĐT an toàn và thân thiện với môi trường.
Trong năm đầu tiên 2015, Việt Nam Tái chế (VNTC) thu về được 850 kg RĐT. Năm 2016 thu được 4.800 kg, năm 2017 thu 10 tấn và năm 2018 thu hơn 11 tấn. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, VNTC đã thu gom được khoảng 11 tấn RĐT. Trong đó, Top ba loại RĐT chiếm tỉ trọng lớn là máy in/fax/scan có sự chuyển đổi lớn từ 13% trong 2016 lên đến 48% trong 2017; các loại linh kiện điện tử chiếm tỉ trọng 20% và máy laptop/máy tính để bàn khoảng 8%.
Tuy nhiên, ngoài một số chương trình quy mô lớn mang tính tập trung có thời hạn thỉnh thoảng được tổ chức tại các thành phố lớn hoặc những dự án liên kết, tới nay VNTC cũng chỉ mới có thể phối hợp với UBND các địa phương đặt điểm thu gom tại một số ít phường ở TP HCM và Hà Nội. Số lượng RĐT mà VNTC thu gom được đang ngày càng tăng, nhưng như "muối bỏ bể" so với bãi rác khổng lồ ngày càng phình to.
Vậy thì trách nhiệm của các nhà sản xuất và kinh doanh hàng điện tử ở Việt Nam đối với các thể loại RĐT của mình ở đâu? Trong khi theo Luật Bảo vệ Môi trường 2014 được cụ thể hóa bằng Quyết định 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng có hiệu lực từ ngày 15-7-2015, các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu chính thức, nhà phân phối các sản phẩm điện tử phải có trách nhiệm thi hành giải pháp thu gom các thiết bị điện, điện tử đã qua sử dụng hoặc bị hỏng của họ.
Bình luận (0)