Reuters cho hay quy định mới yêu cầu các tài khoản "tự truyền thông" của những người có ảnh hưởng không được để ẩn danh. Quy định áp dụng cho các mạng xã hội phổ biến nhất của Trung Quốc, bao gồm công cụ tìm kiếm Baidu, Douyin (TikTok của Trung Quốc), ứng dụng nhắn tin WeChat, trang web chia sẻ video Bilibili, ứng dụng thương mại điện tử xã hội Xiaohongshu và nền tảng tiểu blog Weibo.
"Tự truyền thông" được hiểu bao gồm những tin tức, hình ảnh, video, thông tin … chưa được chính phủ phê duyệt.
Các tài khoản có từ 500.000 người theo dõi trở lên ở Trung Quốc sẽ phải công khai danh tính thực. Ảnh: Reuters
Phản ứng về quy định mới, một số nền tảng như WeChat và Sina Weibo cho biết trước tiên họ sẽ mời các tài khoản có hơn 1 triệu người theo dõi trở lên công khai thông tin tên thật của mình.
Việc thực hiện yêu cầu "người có ảnh hưởng" (Influencer) sử dụng tên thật trên mạng xã hội nhằm mục đích thúc đẩy các tài khoản "tự truyền thông" có ảnh hưởng phải chịu trách nhiệm tương ứng khi thảo luận về các chủ đề nóng trên mạng xã hội.
Các tài khoản Influencer có sức ảnh hưởng lớn đến việc định hướng dư luận so với người dùng thông thường. Weibo cho biết các động thái này nhằm mục đích thúc đẩy hơn nữa một hệ sinh thái trực tuyến lành mạnh.
Do đó, bất kỳ người dùng phổ biến nào không tuân thủ chính sách mới này sẽ bị hạn chế lưu lượng truy cập trực tuyến và bị giảm thu nhập mà họ có thể tạo ra trên mỗi nền tảng.
Dẫu vậy, quy định bắt buộc hiển thị thông tin tên thật đã gây lo ngại về doxxing và quyền riêng tư giữa một số người dùng. Doxing là một hình thức đe dọa trực tuyến khi thông tin cá nhân của người dùng được công khai trên mạng xã hội.
Trung Quốc là một trong những quốc gia áp dụng các biện pháp quản lý internet nghiêm ngặt nhất thế giới. Các chuyên gia cho rằng động thái mới nhất nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dùng trực tuyến Trung Quốc.
Bình luận (0)