Ngày 21-2, tuyến cáp biển còn lại kết nối internet Việt Nam ra quốc tế là SMW3 (hướng Hong Kong và Singapore) tiếp tục bị sự cố, trong khi sự cố 4/5 tuyến cáp quang biển trước đó gồm: AAG, APG, IA và AAE-1 gặp trục trặc vẫn chưa khắc phục xong khiến người dùng internet lo ngại.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 21-2, một nguồn tin từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: "Về cơ bản, sự cố tuyến cáp biển SMW3 không ảnh hưởng mấy đến đường truyền internet của Việt Nam đi quốc tế. Lý do, đây là tuyến cáp biển đã có từ lâu, dung lượng nhỏ. Đến nay, toàn bộ mạng băng rộng cố định và mạng băng rộng di động đã được chuyển sang các tuyến cáp khác lớn hơn. Tuyến cáp biển SMW3 cũng đã được chủ quản đề nghị tạm dừng hoạt động" – nguồn tin này lý giải.
Các nhà mạng đang áp dụng nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng internet - Ảnh: VNPT
Dù vậy, chắc chắn sẽ còn một lượng nhỏ thuê bao internet tại Việt Nam sử dụng dung lượng của tuyến cáp này bị ảnh hưởng nhất định.
Đại diện nhà mạng VNPT xác nhận sự cố này không ảnh hưởng đến chất lượng internet của VNPT do nhà mạng này không sử dụng dung lượng của tuyến cáp này cho các dịch vụ internet băng rộng cố định. Lý do, đây là tuyến cáp cũ và dự kiến sắp dừng hoạt động.
Để khắc phục sự cố cáp quang biển liên tục đứt, VNPT đã bổ sung kênh cáp đất và triển khai nhiều giải pháp san tải lưu lượng giữa các hướng kết nối và các dịch vụ, phối hợp với các đối tác cung cấp dịch vụ/ứng dụng quốc tế để tối ưu chất lượng streaming, ưu tiên lưu lượng theo khung giờ và dịch vụ.
Từ ngày 18-2, VNPT đã bổ sung thêm 30% dung lượng băng thông quốc tế từ các tuyến cáp đất liền theo hướng qua Campuchia/Thái Lan đến Singapore và qua Trung Quốc đến Hong Kong để cải thiện chất lượng truy cập internet quốc tế của khách hàng.
Đại diện VNPT cũng thông tin, tuyến cáp biển APG dự kiến sẽ hoàn thành sửa chữa và bổ sung cho VNPT thêm 400G dung lượng cuối tháng 2 này, góp phần củng cố năng lực và đảm bảo dự phòng cho mạng internet VNPT.
VNPT đã tham gia xây dựng 5 tuyến cáp biển với 4 tuyến đang hoạt động, tuyến còn lại sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2023, bổ sung thêm 18T lưu lượng quốc tế cho người dùng tại Việt Nam.
Từ năm 2022 đến nay, các tuyến cáp quang biển kết nối internet Việt Nam với quốc tế lần lượt gặp sự cố và được đánh giá là sự cố lớn nhất mà các nhà mạng Việt Nam phải ứng cứu từ trước đến nay.
Do thời gian khắc phục sự cố cáp quang biển kéo dài, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng thực hiện các giải pháp kỹ thuật khác, bao gồm yêu cầu các nhà mạng chia sẻ dung lượng quốc tế cho nhau. Nhờ vậy, tốc độ internet quốc tế tại Việt Nam đã có sự cải thiện nhưng chưa trở về tốc độ ngày thường, ảnh hưởng đến người dùng internet.
Bình luận (0)