Đầu năm học mới 2020-2021, nhiều phụ huynh một số trường tiểu học ở một số tỉnh, thành đã choáng váng khi nhận được tờ giấy in giá SGK lớp 1 mà nhà trường phân phối, không chỉ nhiều về số lượng đầu sách mà còn là tổng giá tiền phụ huynh phải trả khá cao, lên tới 700.000 - 800.000 đồng, thay vì chỉ hơn 200.000 đồng như lẽ thường. Trong khi đó, theo hướng dẫn của ngành giáo dục, học sinh lớp 1 năm học này chỉ bắt buộc có 9-10 cuốn SGK cho 8 môn học chính thức. Vậy mà một số trường đã kèm vào danh sách thêm cả chục, thậm chí mười mấy đầu sách "bổ trợ" là các loại vở bài tập, sách học thêm. Như một trường ở quận 8, TP HCM, "đơn sách" cho học sinh lớp 1 có đóng mộc treo của trường gồm 25 "món" với tổng giá tiền tới 807.000 đồng. Trong danh sách, chỉ vở bài tập các loại đã là 9 cuốn, trị giá 111.000 đồng.
Có một chi tiết, năm nay là năm đầu tiên thực hiện SGK lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới. Giá công bố chính thức (được Bộ Tài chính duyệt) cho bộ SGK mới là 215.000 đồng (gồm 8 môn học). Trong khi giá của bộ sách năm học trước, theo chương trình cũ, chỉ 54.000 đồng (gồm 6 cuốn cho 4 môn học). Tuy nhiên, để chia sẻ cùng phụ huynh trong tình hình đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính sau đó đã cho giảm giá bộ SGK lớp 1 còn 199.000 đồng.
Về nguyên tắc, học sinh chỉ cần SGK, còn các sách bổ trợ thì tùy ý mua thêm. Nhưng việc mua thêm tùy ý này trong thực tế thường do từng trường quyết định, liệu phụ huynh có dám "không mua"?
Chúng tôi đã tham khảo một số vở bài tập thuộc loại sách bổ trợ. Phải công nhận là các tác giả có nhiều đầu tư, chăm chút. Về khách quan, chính dạng vở bài tập theo kiểu "dọn sẵn cho ăn" này khiến học sinh dễ lười biếng. Thay vì tự chép các đề bài hay chí ít là bài giải vào tập học trò truyền thống - vừa giúp trẻ rèn chữ viết vừa làm trẻ nhớ lâu hơn, ăn sâu vào óc hơn - thì các em chỉ cần điền đáp số, đáp án vào các ô để trống trong vở bài tập. Nhưng vấn đề gây bức xúc nhất nằm ở chỗ loại vở bài tập này đã bị lạm dụng. Người ta đều hiểu việc những ai tham gia đường dây phát hành các loại sách vở này đều được chia hoa hồng và càng thật là tệ nếu có chuyện tư túi cá nhân thay vì tạo thêm quỹ cho tập thể.
Có những người thắc mắc vì sao vào thời công nghệ 4.0 rồi mà phụ huynh vẫn phải tốn nhiều tiền mua sách in và các em học sinh nhỏ vẫn phải "cõng" trên lưng những balô nặng sách in?
Vậy thì câu chuyện chuyển đổi số trong ngành giáo dục như thế nào? Chuyện học sinh có thể học online, học qua internet, qua các ứng dụng ra sao?
Bình luận (0)