Mới đây, nhóm các nhà khoa học Úc đã phân tích mẫu gạo được bán tại các siêu thị ở miền Đông Nam Queensland bằng kỹ thuật chiết lỏng áp suất và hệ thống sắc ký khí. Kết quả cho thấy bất kể gạo được đóng gói trong bao bì giấy, ni-lông hay vải thì lượng hạt vi nhựa được tìm thấy đều tương đương nhau. Nhiều nhà khoa học đến từ ĐH Queensland (Úc), ĐH Amsterdam (Hà Lan) và ĐH Cagliari (Ý) đều đưa ra lời khuyên nên vo gạo trước khi nấu. Việc này liệu có giúp loại bỏ được hạt vi nhựa trong gạo?
GS-TS PHẠM HÙNG VIỆT, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển bền vững Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội: Hạt vi nhựa tồn tại ở khắp nơi trong cuộc sống - từ nước, không khí đến các bề mặt tiếp xúc. Vì vậy, gạo có thể bị nhiễm vi nhựa qua đường không khí thông qua quá trình chế biến (bóc vỏ trấu, sàng sẩy). Ngoài ra, quá trình đóng gói, bảo quản gạo nếu sử dụng những bao bì, túi nhựa thì cũng góp phần làm gạo nhiễm hạt vi nhựa.
Việc vo gạo chỉ có thể loại bỏ phần nào các hạt vi nhựa có tỉ trọng nhẹ hơn nước như PP, PE, polyethylen terephtalat (PET). Với những hạt có tỉ trọng nặng hơn nước như PVC, PS... thì không loại bỏ được vì những hạt này chìm xuống dưới. Cần chú ý, vo gạo có thể giúp loại bỏ một số hạt vi nhựa nhưng đồng thời cũng làm giảm 70%-95% chất dinh dưỡng ở vỏ hạt gạo gồm vitamin nhóm A, E, sắt, kẽm, Omega-3 và chất xơ tốt; giảm 50%-70% folate, niacin, những vitamin nhóm B.
Để hạn chế hạt vi nhựa, cách duy nhất là mỗi người đều có ý thức bảo vệ môi trường sống bằng cách hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần như ly nhựa, ống hút...; phân loại nhựa để tái chế sau sử dụng; tập thói quen dùng những vật dụng thân thiện, gần gũi với môi trường.
Bình luận (0)