Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỉ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp.
Doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội
Năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy mạnh vào Việt Nam, tính đến cuối tháng 10-2023, đạt hơn 25 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2022. TP HCM là 1 trong 10 thành phố của cả nước có triển vọng tốt về môi trường đầu tư, đón dòng vốn FDI khá mạnh so với năm 2022. Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp (DN) CNHT của TP HCM đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đầu tư sản xuất để tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI.
Đầu tháng 12-2023, Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh đã đưa vào hoạt động nhà máy cơ khí chính xác tại Khu Công nghệ cao TP HCM ở TP Thủ Đức. Nhà máy có tổng vốn đầu tư khoảng 183 tỉ đồng, năng lực sản xuất khoảng 560 tấn sản phẩm/năm. Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP HCM, đây là nhà máy đầu tiên của Việt Nam ứng dụng công nghệ Sintering để sản xuất các sản phẩm CNHT, chi tiết máy chính xác. Công nghệ này có tính thân thiện với môi trường, tỉ lệ sử dụng nguyên vật liệu rất cao (khoảng 95%) so với phương pháp gia công cắt gọt kim loại truyền thống (khoảng 45%). Với công nghệ này, công ty có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu, giá thành thấp. "Nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển lĩnh vực CNHT công nghệ cao của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Đã có nhiều nhà sản xuất đầu cuối liên hệ, tìm hiểu về năng lực sản xuất và sản phẩm của công ty. Chúng tôi cũng đã có đơn hàng đầu tiên cho nhà máy này" - ông Tống thông tin thêm.
Không chỉ đẩy mạnh đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ mới, nhiều DN còn chủ động kết nối để tạo sức mạnh cạnh tranh, cung ứng ngày càng đa dạng sản phẩm CNHT. Chẳng hạn, DN cơ khí chế tạo kết hợp với DN sản xuất các linh kiện dành cho ốc, vít tạo thành cụm sản phẩm; DN in ấn bắt tay với DN ép nhựa để thiết kế mặt nạ sản phẩm hoàn chỉnh cung ứng cho sản phẩm điện tử, gia dụng…
Vẫn còn nhiều thách thức
Trong định hướng phát triển của TP HCM về công nghiệp, ngoài 4 ngành công nghiệp chủ lực, thành phố sẽ phát triển 5 ngành công nghiệp mới, gồm điện tử bán dẫn, công nghệ sinh học, dược, robotic tự động hóa và các ngành CNHT công nghệ cao. Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, cho hay thành phố xác định phát triển CNHT công nghệ cao vì đó là yếu tố quyết định trong việc nâng tầm nền công nghiệp của Việt Nam.
Tháng 9 vừa qua, TP HCM đã tổ chức đoàn 20 DN ngành cơ khí chế tạo sang kết nối giao thương tại triển lãm cung ứng sản phẩm CNHT tại TP Osaka, Nhật Bản. Nhiều DN tham gia chuyến đi nhận xét các DN của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã chuyển đổi nhanh để bắt kịp xu hướng cung ứng mới về sản phẩm CNHT như các sản phẩm cơ khí phục vụ cho vận hành trí tuệ nhân tạo, y tế kỹ thuật cao, công nghiệp điện tử… Điều này đặt ra rất nhiều thách thức với các DN Việt.
Trước thực tế trên, các DN đã kiến nghị lãnh đạo UBND TP HCM sớm tháo gỡ các khó khăn. Cụ thể, TP HCM cần bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng nhà máy với chi phí hợp lý hoặc hỗ trợ chi phí thuê đất cho DN. Kế đến là chọn lọc, kết nối giao thương để DN kịp thời hoàn thiện năng lực sản xuất, chuyển đổi phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, cần chủ động thu hút đầu tư ngành nguyên vật liệu sản xuất để giảm áp lực chênh lệnh giá cho DN.
Bình luận (0)