Ngày 27-12, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản báo cáo về quá trình xét chọn, thăm dò, cấp phép và quản lý tại khu mỏ cát trên sông Tiền (đoạn thuộc xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu – Tổng 68 (gọi tắt Công ty Trung Hậu 68).
Lựa chọn nhà thầu
Theo đó, tháng 4-2019, UBND tỉnh An Giang làm việc với Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lí dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt Tổng Công ty Cửu Long) thuộc Bộ Giao thông Vận tải, về nguồn cát cho Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên. Theo thông tin của Tổng Công ty Cửu Long thì nhu cầu cát cho dự án khoảng 1,1 triệu m3.
Đến ngày 21-4-2020, Công ty Trung Hậu 68 có văn bản gửi UBND tỉnh An Giang về việc xin chấp thuận chủ trương được khai thác vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho công trình trọng điểm của tỉnh An Giang.
Văn bản có đoạn: "Qua tìm hiểu và nghiên cứu đầy đủ thông tin, hồ sơ liên quan đến việc thực hiện các dự án thì được biết Tổng Công ty Cửu Long đang tiến hành thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên. Hiện, Tổng Công ty Cửu Long đã làm việc và thống nhất giao cho Công ty Trung Hậu 68 cung cấp vật liệu để san lấp công trình này".
Tiếp đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) An Giang trình UBND tỉnh chấp thuận đưa "khu vực mỏ cát trên sông Tiền, diện tích 99 ha" vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Sở TN-MT An Giang cũng thực hiện quy trình lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản tại khu mỏ trên sông Tiền. Có 3 đơn vị nộp hồ sơ, kết quả Công ty Trung Hậu 68 được chọn.
"Công ty Trung Hậu 68 được xét chọn theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và Điều 25 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29-11-2016 của Chính phủ; việc xét chọn được tổ chức công khai, có sự tham gia của các sở, ngành, địa phương liên quan; không phải chỉ định thầu" – văn bản của UBND tỉnh An Giang khẳng định.
Liên tục nâng trữ lượng
Sau khi được lựa chọn, Công ty Trung Hậu 68 được cấp phép khai thác khoáng sản tại khu mỏ trên Sông Tiền với trữ lượng 300.000 m3; công suất 300.000 m3/năm; thời hạn 1 năm; mức sâu đến -16m và có 3 xáng cạp khai thác.
Tuy nhiên, do nhu cầu cung ứng cát để đảm bảo tiến độ thi các dự án, sau đó Sở TN-MT có nhiều tờ trình trình UBND tỉnh An Giang cho điều chỉnh giấy phép và nâng trữ lượng khai thác cát đối với Công ty Trung Hậu 68 tại khu mỏ trên sông Tiền.
Đến ngày 30-11-2022, Công ty Trung Hậu 68 được UBND tỉnh An Giang điều chỉnh giấy phép khai thác khu mỏ này lên 1.231.200 m3 và công suất khai thác đến hơn 1,11 triệu m3/năm; phương tiện khai thác lên 8 xáng cạp.
Còn theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định Công ty Trung Hậu 68 (trụ sở tại Xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM) được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác tổng khối lượng 1.531.200 m3 cát để cung cấp cho 4 công trình, gồm: Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên; công trình đường kênh Long Điền A-B và Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, Lê Quang Bình (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68) đã chỉ đạo nhân viên và thuê các đối tượng liên quan tổ chức khai thác 4.780.894 m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, có trị giá tạm tính khoảng 253 tỉ đồng.
Để tiêu thụ số cát khai thác trái phép thu lời bất chính, Bình cùng đồng phạm dùng thủ đoạn thông qua các công ty trung gian do mình thành lập, quản lý để mua hóa đơn đầu vào khống hợp thức nguồn gốc cát. Số tiền thu được, Bình sử dụng chi cho một số cán bộ cơ quan chức năng.
Liên quan vụ việc này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 22 bị can. Trong đó, đáng chú ý có Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Giám đốc Sở TN-MT An Giang, lãnh đạo Công ty Trung Hậu 68.
Bình luận (0)