Ngày 11-1, tại Đội CSGT Rạch Chiếc và Trạm CSGT Tân Túc, Phòng CSGT Công an TP HCM tổ chức ra quân cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và các lễ hội đầu xuân.
Không mất nhiều thời gian
Tại chốt CSGT dưới chân cầu vượt Nguyễn Văn Linh, trung tá Trần Minh Quang, Trưởng Trạm CSGT Tân Túc, chỉ huy trực tiếp. Ông phân công nhiệm vụ cụ thể như dừng phương tiện, kiểm soát, lập biên bản, xử lý vi phạm, tạm giữ phương tiện, cảnh giới... cho cán bộ CSGT tham gia tổ công tác.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ công tác dừng và kiểm tra nhiều xe máy, xe tải và ô tô khách. Tài xế được kiểm tra nồng độ cồn và các giấy tờ xe liên quan.
Chấp hành hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, tài xế Nguyễn Minh Tâm (ngụ huyện Hóc Môn) nhìn nhận việc kiểm tra không mất quá nhiều thời gian nhưng nếu cán bộ không khéo dễ tạo cảm giác phiền hà với những tài xế không vi phạm.
"Tuy nhiên, khách quan mà nói thì việc tăng cường kiểm tra của CSGT dịp Tết giúp tôi có cảm giác an tâm hơn khi lưu thông trên đường vì gần Tết là thời điểm dễ xảy ra tình trạng tài xế say xỉn lái xe hay các đối tượng manh động phạm pháp" - anh Tâm bày tỏ.
Nồng độ cồn vào "tầm ngắm"
Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP HCM, cho biết Bộ Công an thực hiện cao điểm trên toàn tuyến Quốc lộ 1 qua 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại TP HCM, CSGT cụ thể hóa chỉ đạo của bộ bằng kế hoạch ra quân tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1.
Đợt kiểm tra này, lực lượng CSGT tập trung kiểm soát chặt chẽ phương tiện hoạt động vận tải, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.
Đó là các hành vi như điều khiển xe mà trong cơ thể có nồng độ cồn, chất ma túy; vi phạm tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt, dừng, đỗ sai quy định; không có giấy phép lái xe; xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định... Trong đó, theo thượng tá Đoàn Văn Quới, thực hiện việc xử lý vi phạm nồng độ cồn còn nhằm hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu bia - không lái xe".
"Việc kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ được duy trì thường xuyên, liên tục, không để tái diễn hoạt động phức tạp về trật tự an toàn giao thông" - phó trưởng Phòng CSGT Công an TP HCM nhấn mạnh.
Chuyển biến tích cực
Xử lý vi phạm nồng độ cồn là nội dung quan trọng, xuyên suốt thời gian qua. Tại lễ phát động Năm an toàn giao thông 2024 mới đây, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết năm 2023, nhiều biện pháp bảo đảm an toàn giao thông được triển khai. Trong đó, nổi bật nhất là lực lượng công an toàn quốc phối hợp các nơi đồng bộ nhóm giải pháp về kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình cho hay CSGT TP HCM xác định việc xử lý vi phạm nồng độ cồn năm 2024 là nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện thường xuyên, liên tục, không ngày nghỉ, không vùng cấm, không ngoại lệ.
Xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng là một trong các giải pháp trọng tâm mà Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đề nghị Ban An toàn giao thông phối hợp Sở Giao thông Vận tải, công an và các đơn vị liên quan tập trung triển khai dịp Tết Nguyên đán để phòng ngừa tai nạn giao thông và giữ gìn trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhân dân vui đón Tết. Phó Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung các giải pháp trọng tâm như tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ lái xe khách, lái tàu...
Liên quan việc xác định giải pháp trọng tâm trong đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết 2024 là thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp về kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm nồng độ cồn, thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP HCM, đã thông tin chi tiết. Ông cho biết từ nay đến sau Tết Nguyên đán, CSGT TP HCM tiếp tục duy trì hoạt động của 10 cụm CSGT trong kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Theo đó, các cụm được tổ chức dựa trên cơ sở kết hợp lực lượng CSGT quận, huyện, TP Thủ Đức và CSGT thuộc các đội/trạm của Phòng CSGT. Trong đó, 5 cụm hoạt động tại khu vực trung tâm, 5 cụm còn lại hoạt động khu vực vùng ven.
Qua thời gian đơn vị duy trì 10 cụm CSGT kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, bước đầu nhận thấy người dân cơ bản chấp hành, đồng thuận rất cao với quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe". Khi có đám tiệc, nhiều người ý thức hơn khi từ chối rượu bia. Nếu uống, họ chủ động dùng các phương tiện công cộng như Grab, taxi hoặc thuê lái xe đưa đón.
Chuyển danh sách người vi phạm về cơ quan xem xét, kiểm điểm
Chiều 11-1, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tại buổi họp báo, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP HCM, đã thông tin về tình hình cao điểm kiểm tra, xử lý nồng độ cồn trên địa bàn thành phố.
Thượng tá Hà cho biết vừa qua, Công an TP HCM đã rà soát và chuyển danh sách 37 trường hợp cán bộ, công nhân, viên chức, hợp đồng lao động và lực lượng vũ trang, trong đó có cả công an (gọi chung là cán bộ) vi phạm nồng độ cồn cho cơ quan chủ quản xem xét, kiểm điểm.
Thượng tá Hà cho hay cán bộ vi phạm nồng độ cồn chiếm tỉ lệ nhỏ với 37/128.149 người vi phạm (chiếm gần 0,03%). Đặc biệt, gần đây không phát hiện trường hợp cán bộ vi phạm nồng độ cồn.
Trong năm 2023, lực lượng CSGT Công an TP HCM đã phát hiện, xử lý 651.585 trường hợp vi phạm giao thông, tạm giữ 1.537 ô tô, 153.493 xe máy và 1.283 xe 3-4 bánh. Trong đó, có 128.149 trường hợp điều khiển ô tô, xe máy vi phạm liên quan nồng độ cồn (chiếm khoảng 19,67% tổng số vi phạm về giao thông). Do mức phạt các lỗi này tương đối cao, đôi khi cao hơn giá trị phương tiện vi phạm và có hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe nên không ít người vi phạm đã bỏ phương tiện, làm gia tăng số lượng phương tiện bị tạm giữ tại các kho, bãi.
P.Anh
Bình luận (0)