Cần Thơ đang khẳng định vị thế là một trong những tỉnh, thành tiên phong trong việc phát triển và nâng cao giá trị đặc sản địa phương thông qua chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP)
Cần Thơ đang khẳng định vị thế là một trong những tỉnh, thành tiên phong trong việc phát triển và nâng cao giá trị đặc sản địa phương thông qua chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP)
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết thành phố hiện có 198 sản phẩm OCOP. Trong đó, 95 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 103 sản phẩm OCOP 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.
Doanh thu tăng nhờ đạt chứng nhận OCOP
Các sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ rất đa dạng, như: mắm cá tra, khô cá tra, nước mắm cá linh, rượu mận, bánh tráng dừa, bánh tráng ngọt, nước ổi lên men, trà mãng cầu, sản phẩm tranh gạo, bột gạo lứt đậu đỏ, bột gạo lứt mè đen, bột 5 thứ đậu, bột đậu nành, bột đậu đen xanh lòng...
Chương trình OCOP tại TP Cần Thơ đã chứng minh hiệu quả thiết thực sau hơn 4 năm triển khai, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, đáng chú ý là việc nâng cao giá trị sản phẩm với mức tăng trưởng ấn tượng trên 22%, đồng thời mang lại lợi nhuận tăng thêm khoảng 18% cho các chủ thể tham gia chương trình.
Sự thành công này được thể hiện rõ qua việc nâng cao chất lượng và diện mạo các sản phẩm OCOP. Các sản phẩm không chỉ được cải thiện về mẫu mã, bao bì mà còn được đầu tư phát triển chỉ dẫn địa lý, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn theo quy định. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện được nguồn gốc, xuất xứ mà còn tạo được niềm tin về chất lượng sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trong xu thế phát triển thương mại điện tử, các sản phẩm OCOP của địa phương đã nhanh chóng thích nghi với phương thức kinh doanh hiện đại. Hầu hết các sản phẩm đều có mặt trên nền tảng thương mại điện tử của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá, giới thiệu và tiếp cận khách hàng tiềm năng. Việc ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh đã giúp các sản phẩm OCOP mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Chương trình OCOP tại TP Cần Thơ đã chứng minh hiệu quả thiết thực sau hơn 4 năm triển khai, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thành công của chương trình OCOP tại Cần Thơ là minh chứng về sự đúng đắn trong định hướng phát triển kinh tế nông thôn. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Khi trứng chim trĩ của cơ sở Chim trĩ đỏ Cần Thơ (phường Long Hưng, quận Ô Môn) được khách hàng săn đón, ông Nguyễn Bửu Thanh - chủ cơ sở - cho rằng nhờ sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ông bày tỏ: "Đây là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của gia đình tôi cùng với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương. Các cán bộ đã nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi cải thiện quy trình chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hoàn thiện hồ sơ đăng ký OCOP...".
Chủ cơ sở này cũng cho hay nhờ đạt chuẩn OCOP, sản phẩm trứng chim trĩ được nhiều người biết đến hơn nên doanh thu cũng tăng đáng kể. Việc được tham gia các hội chợ, triển lãm của TP Cần Thơ đã giúp cơ sở mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Sản phẩm mắm cá tra của cơ sở ông Chương Văn Khanh (quận Thốt Nốt) khi đạt chuẩn OCOP 4 sao cũng dần được khách hàng biết đến nhiều hơn. "Việc sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao đã mang lại nhiều thuận lợi. Trước hết, đây là minh chứng về chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, tăng niềm tin của người tiêu dùng. Chứng nhận này giúp sản phẩm dễ dàng được các đơn vị phân phối lớn, siêu thị chấp nhận đưa vào kinh doanh. Cơ sở cũng sẽ được ưu tiên trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước về vốn, công nghệ và xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để phát triển sản xuất và nâng cao giá trị thương hiệu" - ông Khanh nhìn nhận.
Hỗ trợ nâng hạng sản phẩm
Thời gian qua, các chủ thể tham gia chương trình OCOP tại TP Cần Thơ đã cho thấy sự năng động và quyết tâm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này được thể hiện qua việc họ chủ động cải tiến và đổi mới quy trình sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Nhiều chủ thể OCOP đã đầu tư đáng kể vào việc hoàn thiện bao bì, nhãn mác sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại. Họ không chỉ chú trọng đến tính thẩm mỹ mà còn bảo đảm đầy đủ các thông tin cần thiết về sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và tin tưởng sử dụng.
Bên cạnh đó, các chủ thể cũng tích cực nghiên cứu và đáp ứng đầy đủ những tiêu chí, thang điểm theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP. Mục tiêu của họ không chỉ là duy trì hạng sao hiện có mà còn hướng đến việc nâng hạng, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để được tái cấp chứng nhận khi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP hết hạn theo quy định.
Ông Nguyễn Ngọc Hè cho rằng để nâng chất sản phẩm OCOP, các chủ thể cần chú trọng hơn đến hình thức lẫn chất lượng sản phẩm, đặc biệt quan tâm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Song song đó, ngành chức năng của TP Cần Thơ cần tạo điều kiện cho các chủ thể đưa sản phẩm OCOP đi trưng bày, giới thiệu, quảng bá rộng rãi để người tiêu dùng biết đến; hỗ trợ tái chứng nhận khi hết hạn cũng như nâng hạng sao cho sản phẩm.
Kỳ vọng 2 sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên
Hai sản phẩm đầu tiên của TP Cần Thơ đang làm hồ sơ để Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp trung ương cấp chứng nhận 5 sao là trà hòa tan đinh lăng Hygie và trà hòa tan tía tô Hygie của Công ty TNHH MTV Hygie & Panacee.
Bà Đoàn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hygie & Panacee, nhận định: "Nếu đạt chứng nhận 5 sao thì sản phẩm được hỗ trợ xuất khẩu và được xét vào mặt hàng quà tặng quốc gia. Tôi rất mong chờ được hội đồng xét duyệt vì nếu được thì đây là 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao đầu tiên của TP Cần Thơ. Từ đó, uy tín của sản phẩm sẽ gia tăng và được hỗ trợ xúc tiến thương mại".
Bình luận (0)