Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo dựng thế và lực mới cho sự phát triển.
Thuộc top 10 tỉnh, thành có quy mô kinh tế lớn nhất
Với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,69% (năm 2021: 9,44%, năm 2022: 12,4%, năm 2023: 7,29%), Thanh Hóa đã đứng thứ 5 cả nước và thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.
Quy mô GRDP năm 2023 của Thanh Hóa ước đạt 279.074 tỉ đồng - gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất trong các tỉnh, thành khu vực Bắc Trung Bộ cũng như các địa phương duyên hải miền Trung.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thanh Hóa tăng cao, 3 năm 2021 - 2023 ước đạt 132.418 tỉ đồng, vượt dự toán trung ương giao hằng năm. Trong đó, năm 2022 đạt 51.173 tỉ đồng - cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước. Thu ngân sách bình quân hằng năm ước đạt 11,3%, cao hơn mục tiêu của nghị quyết.
Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 của Thanh Hóa ước đạt trên 409.000 tỉ đồng. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.
Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của Thanh Hóa đạt 3,85%, cao hơn mục tiêu 3% mà nghị quyết đã đề ra; sản lượng lương thực bình quân hằng năm khoảng 1,59 triệu tấn, đạt mục tiêu. Sản xuất nông nghiệp chuyển dần sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; lấy nông dân làm trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm" (OCOP) ở Thanh Hóa đạt kết quả tích cực. Ước tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (48,15%). Trong đó, 363 xã đạt chuẩn nông thôn mới (78,1%), 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thanh Hóa có 407 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 1 sản phẩm OCOP 5 sao.
Sản xuất công nghiệp ở Thanh Hóa vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 15,41%/năm. Trong đó, 20/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng năm 2023 tăng so với năm 2020; một số sản phẩm có sản lượng trong nhóm đầu của cả nước như: lọc hóa dầu, xi măng, thép... Toàn tỉnh hiện có 189 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang 53 quốc gia và vùng lãnh thổ với 55 loại hàng hóa.
Tạo thành tứ giác phát triển phía Bắc
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉnh này trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển phía Bắc. Trong đó, Thanh Hóa xác định Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn sẽ là đầu tàu kéo cả nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện.
Với vai trò quan trọng đó, KKT Nghi Sơn đang từng bước được xây dựng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, đô thị, dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước. Đến nay, KKT Nghi Sơn đã thu hút được 297 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 149.538 tỉ đồng và 24 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 12,8 tỉ USD. Nguồn vốn các nhà đầu tư trong nước đã thực hiện đạt 70.366 tỉ đồng và vốn FDI gần 12,7 tỉ USD.
Tính từ năm 2021 đến nay, KKT Nghi Sơn đã thu hút được 69 dự án đầu tư trực tiếp (bao gồm 19 dự án FDI) với tổng số vốn 15.868 tỉ đồng và 168 triệu USD. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ - thương mại ước đạt 546.143 tỉ đồng; tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 9.505 triệu USD; thu ngân sách nhà nước khoảng 52.747 tỉ đồng.
Nhiều dự án đầu tư tại KKT Nghi Sơn đi vào hoạt động, vận hành hiệu quả đã đóng góp đột phá vào việc tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa thời gian qua. Trong đó, đáng chú ý là "siêu dự án" Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn - một dự án trọng điểm của cả nước, có tổng mức đầu tư khoảng 9 tỉ USD. Tiếp đến, 2 dự án FDI lớn là nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2 với tổng mức đầu tư gần 4 tỉ USD.
Ngoài KKT Nghi Sơn, nhiều dự án lớn khác cũng được đầu tư triển khai ở các địa phương tại Thanh Hóa. Cụ thể, dự án khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương có tổng vốn đầu tư hơn 6.800 tỉ đồng; dự án Flamingo Hải Tiến, tổng đầu tư 3.350 tỉ đồng; dự án Khu Du lịch sinh thái Tân Dân, tổng đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng; khu resort Sao Mai Thanh Hóa 1.600 tỉ đồng…
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết những kết quả đạt được thời gian qua mới chỉ là bước đầu. Thanh Hóa vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục kiên trì thực hiện các mục tiêu phát triển trên cơ sở tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển mạnh mẽ trên cơ sở nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
Thu hút 14,7 tỉ USD vốn đăng ký FDI
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thanh Hóa đã thu hút được 201 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 22 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 38.665 tỉ đồng và 336,7 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 150 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 14,7 tỉ USD - đứng đầu các tỉnh, thành Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7.726 doanh nghiệp được thành lập - đứng thứ 6 cả nước.
Bình luận (0)