Mới đây, các báo đưa tin một cô giáo dạy lớp 1 ở xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh (Long An) đã bị phụ huynh tát tại trường. Trước đó, cô giáo đã dùng thước đánh học sinh, nhận thấy mình sai, cô đã gọi điện thoại xin lỗi phụ huynh nhưng lại bị phụ huynh hành xử như vậy.
Tôi là giáo viên nghỉ hưu đã nhói lòng khi đọc thông tin trên. Hành vi của phụ huynh trên đáng bị lên án nhưng vì đâu mà ngày càng có nhiều vụ việc đáng buồn như vậy?
Nhiều năm trước, một cô giáo dạy toán của một trường THPT suốt học kỳ chỉ chép bài, không nói chuyện, không giao tiếp bình thường với học sinh; một cô giáo trường tiểu học bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng; một thầy giáo dạy thể dục đánh học sinh...
Ở chiều ngược lại, một cô giáo tiểu học bị phụ huynh bắt quỳ xin lỗi; một cô giáo mầm non bị phụ huynh bạo hành đến mức dọa sẩy thai; một thầy giáo bị học sinh trường THPT đâm trọng thương...
Người lãnh đạo/cơ quan quản lý - thầy, cô giáo - học sinh - phụ huynh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ở đây tôi muốn nói đến một định hướng giáo dục có tính căn cơ và bền vững trong việc xây dựng và củng cố các giềng mối này. Trong đó, trọng tâm và trước hết phải làm sao tỏa sáng cái tâm của người thầy. Sau đó, làm sao để có tư tưởng, hành vi thống nhất giữa người lãnh đạo/cơ quan quản lý, phụ huynh, thầy - cô giáo, học sinh khi mà những thành tố này luôn là những xung lực trong "ma trận" giáo dục.
Theo tôi, trước hết người thầy phải coi trọng ý thức trách nhiệm của mình, hành xử đúng chuẩn mực, có lòng tự trọng, lòng dũng cảm đi cùng với sự nêu gương. Song song đó là cách đào tạo và tuyển dụng.
Thầy, cô giáo không thể chỉ được tuyển dụng qua kiến thức tổng quát và chuyên môn. Trước khi bước chân vào ngành, họ phải được trắc nghiệm một số điều kiện kèm theo (lòng yêu nghề mến trẻ, sự quan tâm thấu hiểu, lòng khoan dung độ lượng…) để biết kiềm chế cảm xúc nhất, vượt qua trở lực, hoàn thành tốt việc dạy người qua dạy chữ. Sự nông nổi của học sinh không phải là bản chất của các em. Đã có câu nói đùa nhưng có ý nghĩa sâu sắc: "Không quậy phá, không phải là học sinh". Hãy uốn nắn bằng tình thương để các em đi vào nền nếp.
Ông bà ta nói: "Một chữ cũng là thầy", phụ huynh cần có thái độ tôn trọng thầy cô giáo, giúp con trẻ hiểu được thầy cô đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, phát triển bản thân; từ đó hình thành thói quen tôn sư trọng đạo. Nên tham gia vào các hoạt động của nhà trường để hiểu rõ hơn môi trường học tập của con, qua đó giáo dục con một cách toàn diện.
Người lãnh đạo/cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy cô giáo và phụ huynh, góp phần hạn chế những mâu thuẫn và hình ảnh tiêu cực có thể xảy ra. Cần xử lý khách quan, công bằng, nghiêm minh các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo; vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ của phụ huynh. Giúp thầy, cô giáo và phụ huynh hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giáo dục con em.
Cuối cùng, tôi rất không đồng tình khi ai đó nói tinh thần tôn sư trọng đạo ngày nay không còn, nghề giáo trở thành nghề nguy hiểm... Tôi khẳng định những câu chuyện không vui xảy ra, không phải là bản chất của giáo dục.
Bình luận (0)