Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến trong ngày 14-5 công bố mức thuế quan mới nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, trong đó mục tiêu đáng chú ý là các lĩnh vực chiến lược.
Theo Reuters, Tổng thống Joe Biden sẽ duy trì mức thuế hiện có đối với nhiều hàng hóa Trung Quốc được đưa ra thời người tiền nhiệm là Tổng thống Donald Trump. Dù vậy, các mức thuế mới sẽ được áp lên chất bán dẫn và thiết bị năng lượng mặt trời.
Các nguồn cung y tế do Trung Quốc sản xuất, như ống tiêm và thiết bị bảo hộ cá nhân cũng đối mặt thuế bổ sung. Một động thái đáng chú ý được trang Bloomberg nêu bật là mức thuế đối với xe điện Trung Quốc sẽ tăng từ 27,5% lên 102,5%.
Khi xem xét chỉnh sửa chính sách thuế nói trên, chính quyền Tổng thống Biden đã tập trung vào các ngành được xem là thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia và cạnh tranh chiến lược. Với bước đi này, ông Biden cũng chứng tỏ mình có hướng tiếp cận khác biệt về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đến gần.
Ông Trump, ứng viên Đảng Cộng hòa, cam kết áp thuế ít nhất 60% lên tất cả hàng hóa Trung Quốc nếu trở lại Nhà Trắng.
Động thái mới nói trên có thể dẫn đến sự trả đũa từ Trung Quốc vào thời điểm 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đang căng thẳng vì nhiều bất đồng.
Tổng thống Biden hồi tháng rồi kêu gọi tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm kim loại của Trung Quốc. Nhà lãnh đạo này cũng tuyên bố mở cuộc điều tra về hoạt động thương mại của Trung Quốc trong các lĩnh vực đóng tàu, hàng hải và logistics - một tiến trình có thể dẫn đến nhiều thuế quan hơn.
Không dừng lại ở đó, Washington còn đang gây áp lực lên nước láng giềng Mexico để cấm Trung Quốc bán sản phẩm kim loại gián tiếp từ đó sang Mỹ.
Theo tờ South China Morning Post, giới chức Mỹ thời gian qua đã lên tiếng cảnh báo về "tác động của năng lực sản xuất dư thừa" của Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực xe điện, tấm pin mặt trời, pin và thép.
Washington cho rằng phần lớn năng lực đó đạt được thông qua sự tăng cường trợ cấp của nhà nước và bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận của nước ngoài vào thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng điều tra cáo buộc Bắc Kinh đang xuất khẩu công suất dư thừa, cũng như điều tra chống trợ cấp đối với nhà sản xuất turbin gió và xe điện của Trung Quốc. Cả Mỹ và EU đều cho rằng tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc đang làm suy yếu an ninh và gây hại cho nền kinh tế của họ.
Bắc Kinh đã phản ứng mạnh khi cho rằng những cáo buộc trên là vô căn cứ và là nỗ lực nhằm kiềm chế sự tăng trưởng của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp đó. Mới nhất, một bài viết đăng trên tờ Nhân dân nhật báo hôm 12-5 chỉ trích Mỹ thổi phồng cáo buộc về "công suất dư thừa" trong các ngành năng lượng mới.
Các công ty Trung Quốc hiện thống trị thị trường thế giới trong lĩnh vực xe điện, pin lithium và tấm pin mặt trời, được Bắc Kinh gọi là "3 ngành công nghiệp mới".
Tại cuộc gặp đại diện các nhà sản xuất pin lithium và xe điện ở châu Âu vào tháng rồi, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Anh Đào khẳng định chính sự đổi mới sáng tạo và hệ thống chuỗi cung ứng hoàn chỉnh đã thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp này.
Bình luận (0)