Liên tiếp bị 2 cơn bão tàn phá, kế đến lại thêm trận lũ lịch sử trong những ngày qua, người dân tại tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng lâm vào cảnh hết sức khó khăn. Từ sự hỗ trợ của bạn đọc, người dân bị thiên tai ở 2 địa phương này đã dần gầy dựng lại cuộc sống.
Kịp thời, thiết thực
Huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương gánh chịu nhiều thiệt hại do bão gây ra. Chỉ riêng cơn bão số 11, tổng thiệt hại địa phương này phải gánh ước tính khoảng 125 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Tấn Phúc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Duy Xuyên, cho biết tính đến giữa tháng 11-2013, huyện đã nhận được sự quan tâm của 90 đoàn với tổng số tiền hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão lên đến 3,5 tỉ đồng. Không những cứu trợ bằng tiền mặt, nhiều tổ chức còn trao những món quà rất thiết thực như gạo, mì gói, sữa… để giúp bà con có cầm cự qua được những ngày khan hiếm lương thực sau bão, lũ.
Tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm hiện tại đã có 50 đoàn cứu trợ đến tận địa phương hỗ trợ người dân bị thiệt hại với tổng số tiền gần 3 tỉ đồng. Ông Trần Công Thanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đại Lộc, cho biết sau cơn bão số 11, toàn huyện ước thiệt hại trên 230 tỉ đồng với hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, sập hoàn toàn. “Đời sống của bà con nhiều nơi trong huyện rất khó khăn nên sau khi bão tàn phá lại càng khổ sở trăm bề. Từ những gói mì, ký gạo đến những tấm tôn, xi-măng... của các nhà hảo tâm đã giúp bà con gượng dậy, dựng nhà để trở về với cuộc sống bình thường” - ông Thanh nói.
Ổn định cuộc sống
Hầu hết người dân tại các địa phương đều nỗ lực ổn định cuộc sống sau bão. Tại huyện Duy Xuyên, ông Nguyễn Tấn Phúc cho biết địa phương cũng đã sớm sắp xếp kinh phí hỗ trợ của các đoàn thể cho những gia đình thuộc diện khó khăn bị sập nhà hoặc tốc mái có điều kiện làm lại nhà sau bão. Hiện tại, hầu hết những ngôi nhà tốc mái đã được hỗ trợ để lợp lại. “Ngoài việc nhờ kinh phí hỗ trợ của người dân các nơi, chúng tôi cũng huy động lực lượng thanh niên, bộ đội địa phương… tham gia giúp dân lợp lại nhà, sửa sang ruộng vườn, chuồng trại tổ chức chăn nuôi, trồng trọt” - ông Phúc cho biết.
Theo ông Trần Công Thanh, huyện Đại Lộc cố gắng trong thời gian nhanh nhất đưa tiền, hàng cứu trợ của các nhà hảo tâm đến tay người dân. Trong lúc khó khăn nhất như vừa qua, những món quà trên vô cùng quan trọng để người dân ổn định cuộc sống. Đến nay, huyện Đại Lộc cũng đã khắc phục cơ bản những thiệt hại do bão lũ gây ra. Hầu hết các ngôi nhà bị tốc mái đã được lợp lại để người dân có nơi cư trú, sớm trở lại cuộc sống thường nhật.
Tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, cơn bão vừa qua cũng đã làm hơn 500 ngôi nhà tốc mái, hàng chục ngôi nhà bị sập. Đến nay, địa phương đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể cứu trợ để làm lại nhà cho người dân. Ông Nguyễn Kim, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Liên Chiểu, cho biết: “Nhờ có kinh phí hỗ trợ của các đoàn cứu trợ mà người dân cũng đỡ phần nào gánh nặng của thiên tai. Vấn đề là người dân trở lại sản xuất rất nhanh, có thu nhập để tính kế ổn định lâu dài chứ không ỷ lại vào nguồn hỗ trợ” - ông Kim nói.
Báo Người Lao Động gấp rút cứu trợ đồng bào bị lũ Ngay khi lũ chưa kịp rút, Báo Người Lao Động đã tổ chức đợt cứu trợ khẩn trương cho các tỉnh miền Trung đang bị lũ tàn phá. Tổng số tiền cứu trợ đợt này là 700 triệu đồng do bạn đọc Báo Người Lao Động đóng góp. Trước tiên, báo sẽ chuyển đến Quảng Nam 200 triệu đồng hỗ trợ người dân ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn. Kế đến, báo sẽ tổ chức hỗ trợ các hộ gia đình có người bị chết do lũ (10 triệu đồng/người); hỗ trợ người dân bị hư nhà cửa, vườn tược tại thị xã An Nhơn và TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định); sữa chữa trường học và trạm xá bị hư hại. |
Bình luận (0)