Đã 8 giờ nhưng cái lạnh đầu ngày ở phố núi vẫn chưa tan. Trong căn nhà thoáng rộng, mọi vật dụng sinh hoạt được sắp đặt rất ngăn nắp và khá đẹp mắt, tiếng trẻ sơ sinh khóc nhè đòi mẹ vọng lên. Rồi tiếng mẹ dỗ con nhè nhẹ “Ngoan nào… nín đi con! Con bú sữa đi, tí nữa mẹ Khiết về cho con uống thuốc, bú đi con…!”. Tiếng ru à ơi, tiếng dỗ dành thương yêu của người mẹ đã động viên cháu bé bú sữa và mơ màng ngủ. Xung quanh, gần 10 bé khác cũng đang nhao nhao đòi ăn, đòi uống, đòi lau mặt…
Câu chuyện của chúng tôi bị đứt quãng vì tiếng khóc của cháu Nguyễn Ngọc Bảo Trâm. Đến bồng và nựng con, chị Trần Thị Mỹ Hậu cho biết: “Đây là 1 trong 3 cháu được chúng tôi đón về Trung tâm sớm nhất. Ngày 7-2-2011, cháu Trâm mới sinh được 2 ngày tuổi tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai, trong một đêm vắng không biết vì lý do gì người mẹ trẻ bỏ đi. Cháu ngủ dậy không thấy mẹ, lại đói sữa nên khóc hoài, người tím tái. Các bác sĩ trong khoa sản đã xin sữa của các bà mẹ xung quanh cho cháu uống và gom tiền mua thêm sữa cho cháu. Biết tin, tôi bắt xe thồ đến và xin được bảo lãnh cháu về nuôi. Đến nay đã hơn 1 tuổi nhưng Trâm vẫn hay giật mình rồi khóc trong đêm vì nhớ mẹ, đòi hơi ấm của người mẹ ruột thịt. Mỗi lần cháu khóc là một lần cháu quờ tay tìm mẹ trong đêm. Khi ấy, trái tim tôi nhói lên nỗi đau và niềm thương xót”.
Còn kia là cháu Siu Vun, người dân tộc Giơ Rai, một trong những nạn nhân của hủ tục chôn theo mẹ, được các chị cứu sống. Vun sinh ngày 28-9-2009 tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai; cả bố mẹ Vun đều là người dân tộc thiểu số. Cũng như Bảo Trâm, Vun sinh được 1 ngày thì không may chị Siu Blới (mẹ Vun) bị băng huyết rồi qua đời. Trong lúc gia đình, họ hàng lo làm ma cho Siu Blới thì ông ngoại lẳng lặng bế Vun bỏ vào trong chuồng bò gần nhà chờ chết rồi chôn luôn cùng mẹ. Nghe tiếng con khóc, anh Siu Veh - cha Vun - như đứt từng khúc ruột, muốn nhảy vào cứu con nhưng ông bà ngoại không cho, còn dọa phạt mấy con bò vì cái tội “không biết thương con”, bởi quan niệm người dân tộc Giơ Rai là “con người cũng như con chim, con heo..., sinh con ra phải có mẹ cho ăn, cho bú thì mới khôn lớn. Không may mẹ mất, phải cho con đi theo để mẹ cho bú, cho ăn, chứ để không nuôi được là có tội…”. Khi ấy, anh Ksor Pa, một người bà con sống trên huyện Đắk Đoa, về dự đám tang và nhìn thấy Vun đang nằm thoi thóp, đang bị ruồi và kiến bâu cắn, liền bí mật cởi áo bọc Vun lại rồi nhanh chóng đưa Vun đến Trung tâm nhờ nuôi dưỡng.
“Khi bế Vun trên tay, tôi thấy sự sống của cháu quá mỏng manh, người đầy vết sưng tím do bị côn trùng cắn, bị đói, bị lạnh…, chỉ còn thở thoi thóp. Trách nhiệm và lòng nhân từ đã thôi thúc chúng tôi nhanh tay lấy nước ấm tắm cho cháu, lấy sữa cho uống và sưởi ấm cho cháu… Ba mươi phút, rồi 1 giờ, 2 giờ trôi qua, tất cả chúng tôi như nín lặng trong xúc động, chỉ biết cầu mong cho Vun. Rồi sự sống cũng bắt đầu nhen nhóm khi cháu biết cựa quậy, da hồng lên, mắt mở ra… Hơn 4 tháng tích cực đưa Vun đến các bệnh viện ở Gia Lai và TP HCM để chữa bệnh, cháu đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nay Vun đã được hơn 2 tuổi, trắng trẻo, bụ bẫm, rất đáng yêu” - chị Khiết xúc động.
Như trong cổ tích
Ai một lần đến phố núi Pleiku sẽ bắt gặp hình ảnh những cây thông già hai bên đường tựa đầu vào nhau như bóng dáng mẹ con rất đẹp. Song có lẽ ấn tượng hơn bởi nơi đây tình người được viết nên bằng những câu chuyện cảm động như là cổ tích. Đó là tình thương, là sự đồng cảm chân thành.
Trên đường trở về nhà, tôi nhớ mãi hình ảnh của những đứa trẻ bất hạnh ngày nào giờ đây tung tăng vui đùa trong cuộc sống hạnh phúc, bên tai như vẫn còn nghe những lời tâm sự của hai người mẹ: “Nuôi dưỡng các cháu, chúng tôi thấy cuộc đời mình có ý nghĩa hơn. Mình đã khổ cực, bị thất học thì đừng để các cháu khổ cực và mù chữ như mình” - nói rồi hai người mẹ cười vui và vẫy tay tạm biệt.
Nắng mới đang về… |
Bình luận (0)